Get in touch
or send us a question?
CONTACT

5 lí do và cách thoát khỏi cảm giác chán nản trong công việc

Theo một nghiên cứu được chia sẻ trên Twitter, một nhân viên văn phòng thường cảm thấy chán nản khoảng 10,5 giờ một tuần. Chán nản với công việc có thể là cảm giác tạm thời hoặc sẽ không biến mất cho đến khi bạn thay đổi công việc. Đó là cảm giác phổ biến và được định nghĩa là sự khó tập trung khi làm việc. Làm việc tập trung và hiệu quả không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt khi bạn cảm thấy thiếu động lực, thử thách hay không hài lòng, bồn chồn và mệt mỏi.

Vậy đâu là lí do khiến bạn cảm thấy chán nản? Bạn phải làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng chán nản trong công việc? Để bạn có thể tiếp thêm động lực “tiến về phía trước”, dưới đây là những lí do và bí quyết giúp bạn “xử lý” sự nhàm chán trong công việc.

1. Công việc lặp lại và thiếu thử thách

Có nhiều nhiệm vụ hàng ngày có tính chất lặp đi lặp lại. Thì bạn nên cân nhắc xem có cách nào hay công cụ trực tuyến nào để tự động hóa công việc. Hay cân nhắc làm việc cùng với một đồng nghiệp khác và tìm cách tối ưu hóa một số công việc.

Đôi khi, bạn cảm thấy kỹ năng của mình đang không được sử dụng đúng cách. Dần dà bạn cảm thấy buồn chán vì công việc thiếu thách thức và bạn đã không tận tâm. Đề xuất là tổ chức các cuộc họp thường xuyên với sếp. Nơi bạn có thể hỏi về tầm quan trọng của nhiệm vụ và bắt đầu gợi ý về những vấn đề bạn đang gặp phải. 

Bên cạnh đó, tìm kiếm và đề xuất những nhiệm vụ thú vị mới bạn có thể đảm đương sẽ là một cách hay. Cấp trên sẽ đánh giá cao tính chủ động của bạn và bạn sẽ có thể có nhiều việc thú vị và thách thức hơn để làm.

2. Không cảm thấy được tôn trọng

Đôi khi sẽ là vấn đề nếu công việc của bạn có thách thức và hấp dẫn, nhưng bạn cảm thấy rằng mình không được lắng nghe. Cảm thấy không được tôn trọng có thể dẫn đến oán giận và từ đó dẫn đến buồn chán. 

Nếu bạn tin rằng điều đó đang xảy ra, bạn phải xem xét liệu ý kiến ​​của bạn không được tôn trọng hay tất cả đồng nghiệp của bạn đều cảm thấy như vậy. Có thể đã đến lúc thảo luận vấn đề với đồng nghiệp để sẵn sàng giải quyết chung với cấp quản lý. 

Nhưng nếu sự lơ là chỉ nhắm vào bạn, hãy dành thời gian để tìm hiểu xem có phải chính bạn đang gây ra vấn đề này hay không. Sau cùng, nếu đó không phải là lỗi của bạn, bạn vẫn có thể bày tỏ mối quan ngại của mình với quản lý.

3. Thường xuyên căng thẳng, lo lắng

Thường xuyên căng thẳng và lo lắng là biểu hiện của giảm sút sức khỏe tinh thần.

Căng thẳng và lo lắng xuất phát từ sức khỏe tinh thần giảm sút, có thể khiến bạn thường xuyên chán nản. Điều tốt nhất bạn nên làm là dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Bạn có thể dừng công việc lại một lúc để đọc tạp chí hoặc xem phim. Hơn thế nữa, bạn có thể tự thưởng cho bản thân những chuyến đi “thay đổi không khí”. 

Quan trọng là, bạn đừng bao giờ quên tò mò về mọi thứ xung quanh. Trí tò mò và khả năng quan sát giúp bạn sáng tạo để giải quyết tình trạng bế tắc ở công việc hiện tại. Hãy “nhìn ra thế giới bên ngoài” để xem cách mọi người sáng tạo. Điều này có thể truyền cảm hứng cho bạn, kích thích bạn phải học hỏi và tập trung vào công việc.

Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng là một cách để cung cấp năng lượng cho một ngày dài làm việc hiệu quả. Một nghiên cứu năm 1999 đã chứng minh rằng chỉ một ngày nghỉ ngơi kém sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định và tư duy đổi mới. Thiếu năng lượng thường đi kèm với cảm giác buồn chán, và giấc ngủ sẽ mang lại cho bạn sức mạnh về cảm xúc, tinh thần và thể chất.

4. Giảm sút nhận thức về cảm xúc (EQ)

Theo nghiên cứu của chuyên gia hàng đầu về trí tuệ cảm xúc, những người thiếu ý thức về bản thân thường dễ buồn chán. Theo đó, Tiến sĩ Travis Bradberry cho thấy 90% những người làm việc tốt có EQ cao và chỉ 20% những người hoạt động kém nhất có EQ cao. Theo Bradberry, EQ bao gồm năng lực cá nhân và năng lực xã hội. Năng lực cá nhân được tạo thành từ các kỹ năng tự nhận thức và quản lý bản thân. Và năng lực xã hội được định nghĩa là nhận thức xã hội và quản lý mối quan hệ.

Khi bạn cảm thấy buồn chán trong công việc, bạn có thể dễ dàng đổ lỗi cho công việc. Bạn thường có suy nghĩ như “công việc này thật nhàm chán” và “sếp tôi không sử dụng kỹ năng của tôi”. Nhưng bạn nên dành thời gian để xem xét và nhận thức rõ nguồn gốc của sự lo lắng. Từ đó, phát triển nhận thức về cảm xúc sẽ giúp bạn quyết đoán hơn và có động lực để thực hiện các thay đổi trong chính bản thân mình.

5. Thiếu động lực làm việc

Thiếu động lực làm việc là kết quả của làm việc không có kế hoạch.

Đôi khi, bạn quên mất động lực để mình làm công việc này? Lời khuyên là hãy nghĩ về những lợi ích mà công việc của bạn mang lại, bạn sẽ cung cấp giá trị gì cho công việc, và tại sao những lợi ích của công việc đó lại phù hợp với mục tiêu của bạn. 

Một kế hoạch nghề nghiệp cùng các mục tiêu cá nhân rõ ràng có thể thúc đẩy bạn vượt qua sự buồn chán và kiệt sức một cách tốt nhất. Hãy làm việc với tinh thần thúc đẩy những cái tốt, bạn mới cảm thấy việc mình làm không hề vô nghĩa. Bất kể thời điểm nào, bạn thấy một ưu điểm nào của công việc, bạn cần khai thác nó nhiều hơn. Ví dụ: công việc này cho bạn nhiều mối quan hệ, cho bạn những người bạn mới hoặc cho bạn những kỹ năng bạn chưa từng có.

Kết lại, chẳng có công việc nào quá khó hay nhàm chán như bạn nghĩ, chẳng qua bạn luôn mang tâm trạng tiêu cực và khiến động lực làm việc của bạn ngày càng giảm sút. Hãy luôn tìm kiếm lí do của sự chán nản, nhìn vào mặt tích cực của công việc và trau dồi sức khỏe tinh thần của bản thân. Đồng thời, tăng năng suất làm việc của bạn thân cũng giúp bạn giảm sự mệt mỏi trong công việc. Nếu sau tất cả bạn vẫn không thể vượt qua sự chán nản, hãy chuẩn bị cho sự thay đổi cần thiết.