VA: Chữ từ đâu mà ra?
S: Thế mà cũng hỏi, từ sách mà ra chứ đâu.
VA: Trước khi có sách thì sao?
S: Thì con người chắc chém gió thôi chứ sao. Hỏi gì mà hỏi lắm như trẻ con.
Như trẻ con thì có gì sai. Trẻ con là người có trí tò mò cao nhất quả đất. Cách đây không lâu, một bé gái bám đuôi bố là khảo cổ đi khám phá hang động rồi đột nhiên hét lên “con trâu, con trâu”. Chính bé gái đấy đã tìm ra hình vẽ đầu tiên của người tiền sử cách đây hàng chục nghìn năm trước. Đấy là xuất xứ của các con chữ bạn đang đọc ngay lúc này.
Hơn năm nghìn năm trước, những vị vua Pharaoh bắt hàng vạn nô lệ xây kim tự tháp và khắc chữ để lại tên tuổi cho đời sau. Trớ trêu thay, có rất nhiều chữ như dòng chữ dưới đây không có bất cứ nhà khảo cổ nào đọc được.
Mãi cho đến năm 1799, một người lính quân đội Napoleon nhặt được tảng đá Rosetta có khắc các dòng chữ Hy Lạp nằm song song với dòng chữ Ai Cập, những con chữ này mới được giải mã.
Giống như những người vẽ con trâu ở hang El Castillo, người Ai Cập từ rất sớm đã tạo ra những chữ tượng hình – con chữ bằng hình vẽ – để miêu tả những điều muốn nói. Nhưng chữ tượng hình có thể diễn tả được đồ vật, còn tên người thì phải làm thế nào? Để vượt qua được trở ngại đó, họ đã dùng đồ vật có tên giống âm thanh họ muốn nói (ví dụ: 👁️🐝M = IBM). Họ đã dùng chữ tượng hình song song với chữ tượng thanh. Dòng chữ ở trên không phải là câu chuyện về hai con đại bàng bắt tay ăn hiếp con sư tử. Dòng chữ đọc là “Nữ hoàng thần thánh Cleopatra“.
Người Phoenicia là những con buôn đi ngang dọc biển Địa Trung Hải cách đây hơn ba nghìn năm. Họ đã mượn chữ của người Ai Cập để tiện cho ghi sổ nợ, giao dịch, kiểm kho. Trong quá trình đó, những ký tự mỹ miều đã bị người Phoenicia nguệch ngoạc vẽ lại, miễn hiểu là được.
Sử sách thời nay ghi chép lại rằng, họ đã mang đến cho các nền văn minh phương Tây một thứ quý hơn vàng, đó là những con chữ tượng thanh:
Người La Mã mỗi khi chiếm được thành phố nào thường xây tượng đài khắc tên và các chiến tích của họ để dằn mặt người bản địa. Họ ra lệnh những thợ điêu khắc phải làm thế nào cho oai nhất có thể. Những người thợ này đã làm vượt qua cả mong đợi: họ phát minh ra con chữ có chân.
Khi những người thợ khắc từng nét chữ vào đá, họ phát hiện một hình chữ nhật kéo dài thường gây ảo ảnh thị giác (visual illusion) nhìn béo bụng ở giữa, chẳng oai gì cả. Họ liền khoét thêm hai bên đầu để cân bằng trọng lượng giữa hai đầu và phần ở giữa. Rồi hai đầu nét có khoét trông cũng hơi thô, thế là họ khắc rộng ra luôn thành chân chữ trông cho cân đối hài hoà.
Vào thời trung cổ ở châu Âu, chiến tranh loạn lạc, xã hội sụp đổ, người dân không có bánh mỳ ăn, bệnh dịch khắp nơi. Chỉ một số người rất nhỏ còn quan tâm đến con chữ, đó là những người thầy tu ở ẩn trên rừng núi Đức và Thụy Sĩ.
Thời này bút mực có rồi, nhưng sách rất hiếm. Mỗi trang sách làm bằng da bò, thậm chí đôi khi là da người. Vì chất liệu làm sách đắt nên viết mà xấu thì lãng phí lắm. Họ miệt mài ngày đêm nắn nót từng chữ trong kinh thánh. Cũng giống như kỹ thuật điêu khắc sinh ra chữ có chân, ngòi bút điêu luyện của thầy tu tạo ra kiểu chữ Gothics kinh điển (còn được gọi là Black Letters). Ngày nay, chữ Gothics hay được dùng trong các giấy tờ quan trọng. Những yếu tố như là góc ngòi bút với mặt giấy, hướng di chuyển nét, và sự sáng tạo của con người có tác động rõ rệt vào từng nét chữ.
Bạn có biết thời xưa người ta không dùng dấu cách và dấu chấm phẩy? Cũng chỉ có ai có nhiều kinh nghiệm mới đọc được.
Cuối thế kỷ thứ tám, học giả nổi tiếng người Anh “Alcuin quê York” có công đẩy chữ viết lên một tầm cao mới. Với cương vị hiệu trưởng, ông có nhiệm vụ viết lại toàn bộ văn học sắp bị thất truyền do chiến tranh. Alcuin dạy cho đồ đệ hai tuyệt chiêu: thêm khoảng cách giữa các chữ và viết chữ thường. Trước Alcuin, mọi người chỉ biết viết chữ hoa. Mỗi quyển sách viết tốn rất nhiều công lực và viết xong lại còn khó đọc giống như trang sách ở trên.
Chữ viết thường đột phá so với chữ viết hoa ở chỗ có thể viết nhanh, uyển chuyển, ít khi nhấc bút mà không bị rối. Ông đặt tên các con chữ này là Caroline để nịnh hoàng đế Charlemagne, người đã biết chiêu mộ hiền tài (là ông).
Từ các câu chuyện con chữ, mình đã học được nhiều cho việc thiết kế UX. Kể cả khi không có điều kiện xây kim tự tháp, mình vẫn thấy có cách để làm gì đó để đời. Giống như người La Mã, mình cần đặt chuẩn mực cao cho công việc. Khi làm việc, mình nên tận tâm như những vị thầy tu. Và mình sẽ luôn tìm cách cải tiến những gì đã có. Kể cả khi kết quả chỉ trông đơn giản như những chữ cái thường, nó có thể trở thành một thứ mọi người không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn: https://uxlagi.com/
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE