Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Nhà sáng lập Nothing: “Tôi nghĩ điện thoại tất cả các hãng khác đều nhàm chán”

thumbnail

CEO công nghệ Carl Pei nghĩ hiện tại thị trường smartphone toàn cầu đang có gì đó “sai sai.” Dĩ nhiên vấn đề không nằm ở cuộc đua cấu hình hay chính bản thân những chiếc máy trang bị những con chip hiệu năng cao nhất thị trường. Suy cho cùng, càng lúc smartphone càng mạnh, chụp ảnh càng đẹp, màn hình nhìn càng đã. Nhưng với những tín đồ công nghệ, so với 5 hay 10 năm về trước, sự ra mắt của những chiếc máy mới không còn tạo ra những cảm xúc đặc biệt nữa.

Và đó là lúc Sam Rutherford của Engadget ngồi lại trò chuyện với Carl Pei, để hiểu cách Nothing cố gắng đem những sự đổi mới, hay thậm chí là những sự kỳ quặc đầy vui vẻ đến với thị trường smartphone.

Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, có cảm giác như không riêng gì ngành công nghệ, mà cuộc sống con người đã sang trang mới. Cũng có một cách giải thích vô cùng hợp lý cho việc những chiếc smartphone giờ không còn có được sức hút và khiến mọi người trầm trồ như trước: “Tôi từng thức xem mọi sự kiện ra mắt điện thoại mới. Khi ấy tôi sống ở Thụy Điển, có khi 4 giờ sáng vẫn xem giới thiệu điện thoại mới.” Nhưng giờ vị giám đốc công nghệ này cũng chỉ lên YouTube xem tóm tắt sự kiện cho nhanh.

“Nói chuyện với vài khách hàng, tôi nhận ra chúng tôi cũng chẳng khác nhau là mấy. Khi nghiên cứu thị trường, vài người dùng tin rằng các hãng cố tình ‘để dành’ những tính năng mới lạ cho thế hệ thiết bị kế tiếp. Đấy không phải sự thật. Nhưng khi có người tin vào điều đó, chứng tỏ rằng họ đã bắt đầu thấy chán smartphone mới rồi.”

Vấn đề lớn đối với Pei là sự trì trệ của các hãng lớn. Thời điểm này là lúc những cái tên như LG hay HTC, bên thì ngừng làm smartphone, bên thì chẳng còn chút giá trị phổ cập nào. Ngành smartphone được thống trị bởi những tập đoàn khổng lồ như Apple, Samsung hay Google: “Bạn có vài công ty lớn, cách họ hoạt động có hệ thống và theo sách vở. Họ có roadmap phát triển công nghệ từ các đối tác như Qualcomm, Sony và Samsung Display, nên họ biết thế hệ điện thoại sau sẽ có những gì. Họ làm nghiên cứu thị trường rất mạnh tay, có phản hồi đàng hoàng, rồi nhìn vào những đối thủ cạnh tranh và tình hình tổng quan thị trường.”

Cách tiếp cận thị trường ấy, theo Pei, dẫn đến việc cả chục chiếc smartphone mới trông giống hệt nhau: “Rồi thì họ có thông tin dữ liệu, đem chúng ra phân tích để tạo ra một sản phẩm cực kỳ lý trí, trên lý thuyết kiểu gì cũng bán chạy nếu dựa trên những dữ liệu thị trường đã có. Nhưng vấn đề là ai cũng có lượng dữ liệu lẫn cách phân tích thị trường y chang với nhau. Dữ liệu đầu vào giống nhau thì sản phẩm đầu ra có những sự tương đồng là chuyện bình thường.”

Đó là thứ Carl Pei và Nothing đang muốn thay đổi với chiếc điện thoại Nothing 1. Thay vì cố gắng “sáng chế” lại chiếc smartphone, Nothing muốn tìm một thứ “độc đáo” gì đó trong sản phẩm của họ. Từ đó, Nothing 1 sở hữu những tính năng lạ, từ thiết kế, đèn nền mặt lưng cho đến giao diện đèn glyph ở mặt lưng máy.

Pei mô tả thiết kế Nothing 1, theo lời nhóm thiết kế, đến từ một concept gọi là “công nghệ thô kết hợp hơi ấm con người:” “Nó vừa có tính vô cảm của máy móc công nghệ, nhưng vừa có những góc cạnh đầy tính nhân bản.” Đấy là lý do thay vì dùng một tấm ốp lưng kín che linh kiện bên trong, Nothing dùng một tấm kính trong suốt, để lộ cụm camera, coil cảm ứng từ sạc không dây, hay thậm chí cả ống tản nhiệt cho SoC. Như đã từng nói, Nothing 1 đưa những con người thế hệ 8x và 9x trở về tuổi thơ, với những chiếc iMac vỏ màu sắc nhưng nhìn thấy cả linh kiện bên trong, hay những chiếc máy game với vỏ nhựa trong suốt.

Pei nói: “Tôi nghĩ bọn tôi đang cố đưa mọi người quay trở lại thời điểm họ có cái nhìn lạc quan hơn đối với những thiết bị mới.”

Nhưng không một chi tiết nào chỉ là “trang trí” cả: “Những thiết kế của chúng tôi có thể khác biệt, nhưng tất cả chúng đều phải có công dụng.” Ví dụ đáng nói nhất là giao diện glyph với 900 đèn LED ở mặt sau, tạo ra hệ thống đèn báo độc nhất vô nhị trên một chiếc máy chạy Android.

Đương nhiên, sở hữu ý tưởng lớn, độc đáo rất khác so với việc biến nó thành hiện thực. Làm ra một chiếc smartphone tử tế đã khó, để một startup non trẻ chiếm lĩnh được thị trường điện thoại ở thời điểm 15 năm sau khi iPhone ra mắt còn khó hơn. Thực tế ví dụ duy nhất một “tay mơ” thật sự tạo ra được đột phá trong ít năm vừa rồi chính là OnePlus, cái tên mà chính Carl Pei đồng sáng lập với Pete Lau, được gã khổng lồ BKK Electronics hậu thuẫn.

Còn trong khi đó, rất nhiều cái tên mới đến rồi đi, như Essential chẳng hạn. Giờ thương hiệu và sở hữu trí tuệ của Essential được chính Nothing sở hữu.

Những cái tên khác, như Motorola thì chơi bài an toàn với những chiếc G-series, thỉnh thoảng mới dám chơi lớn tạo ra những chiếc máy lạ, nhưng không tạo ra được cú hit đủ lớn, như chiếc Razr màn gập hay những chiếc Z-series với khả năng nâng cấp linh kiện dạng module.

“Lý do khó tồn tại trong ngành smartphone là vì khả năng vận hành của một hãng sẽ phải đồng nhất ở mọi khía cạnh. Mọi nhóm phát triển và quản lý đều phải đạt cỡ 7 điểm. Thậm chí một vài trong số họ còn phải thuộc dạng xuất sắc nếu muốn sản phẩm nổi bật trên thị trường. Chuỗi cung ứng phải ổn. Tương tự như vậy là với khả năng của mảng thiết kế, phát triển phần mềm, chế tác, mỹ thuật công nghiệp, mảng bán hàng, mảng marketing, hỗ trợ khách hàng.”

Kể cả đúng theo sách vở thì cũng chưa chắc đã thành công, ví dụ chính là chiếc PH-1 của Essential. Thiết kế của nó có sáng tạo, nhóm phát triển cũng toàn những người có máu mặt, kể cả Andy Rubin, một trong những lập trình viên tạo ra Android, Inc. vào năm 2003. Nhưng rốt cuộc giá cao và chất lượng camera không đạt như mong đợi đã khiến cả PH-1 lẫn cả công ty Essential Products thất bại.

Ở khía cạnh khác, mặc dù Nothing đã bán được hơn nửa triệu cặp tai nghe Ear 1, vẫn có những lo ngại cho rằng Nothing đang tạo hype quá đà. Vài người trên mạng thậm chí còn so sánh cộng đồng hâm mộ thương hiệu Nothing đang sùng bái quá mức một sản phẩm thậm chí còn chưa ra mắt. Nói về vấn đề này, Pei cho rằng:

“Chỉ có một con đường mà chúng tôi đang đi. Chúng tôi sẽ cố tạo ra sự quan tâm tối đa cho một sản phẩm khi nó ra mắt. Điều đó sẽ tạo ra kỳ vọng rất rất cao đối với sản phẩm đó. Nếu nó đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, thì mọi chuyện sẽ ổn. Còn nếu không thì từ từ nó sẽ bị thị trường thải loại.”

Thử thách ở đây là nếu tạo hype, thì sản phẩm có tốt đến đâu cũng chưa chắc đã thành công vì kỳ vọng thị trường quá lớn. Pei nói: “Với con đường này, chí ít chúng tôi còn có một cơ hội để đem tới thị trường một sản phẩm tuyệt vời. Giải pháp thứ hai là biến thành một công ty quy mô nhỏ, không có chi phí marketing, và thế là chẳng ai biết đến sản phẩm của các bạn cả. Khi đó kể cả khi sản phẩm tốt, kết quả vẫn là chẳng ai quan tâm. Thậm chí bạn còn chẳng có cơ hội để chứng minh bản thân. Logic khi lựa chọn cách tạo hype của chúng tôi là ở chỗ đó.”

Vì thế, dù thiết kế có vẻ độc đáo bắt mắt, Pei vẫn nhắm vào cách tiếp cận thị trường thực dụng nhất có thể. Thay vì chơi lớn với một số lượng nhất định sản phẩm mới, Pei muốn dần dần gây dựng hệ sinh thái sản phẩm và quy mô của chính Nothing, bắt đầu với tai nghe và bây giờ là điện thoại:

“Chúng tôi học nhanh lắm. Chúng tôi không phát minh ra smartphone, cũng không phát minh ra Android, nhưng chúng tôi có kinh nghiệm trên thị trường. Chúng tôi nhìn ra những cách để làm tốt hơn, trám vào những lỗ hổng trên thị trường. Nhưng chúng tôi cũng cần xây dựng một cách từ từ vị trí và thế mạnh. Khi đã thực sự mạnh rồi thì mới làm được một điều gì đó vô cùng sáng tạo, vì chỉ lúc ấy công ty mới đủ ổn định để được thử sai.”

Thành công hay thất bại của Nothing Phone 1 vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng cách Carl Pei thử thách những tập đoàn hàng trăm hàng nghìn tỷ USD với một startup non trẻ là thứ đáng ngưỡng mộ. Giữa một rừng những chiếc máy mặt kính trông giống hệt nhau, Pei kỳ vọng Phone 1 sẽ kích thích khách hàng đòi hỏi những thiết bị sáng tạo hơn, cùng lúc kích thích các hãng đi theo những hướng đi liều lĩnh hơn: “Vài cái tên sẽ thất bại. Nhưng sau cùng thị trường smartphone sẽ trở nên linh động hơn nhiều, và cả ngành sẽ có những tiến bộ lớn hơn.”

Theo Engadget