Get in touch
or send us a question?
CONTACT

CHÁN CODE THÌ PHẢI LÀM SAO

Đi làm một thời gian, lắm lúc sẽ cảm thấy… hơi chán, không muốn code gì, không muốn làm gì.Cuộc sống có quá nhiều bộn bề lo toan, có quá nhiều thứ phải đắn đo suy nghĩ

Có các nguyên nhân sau khiến ta cảm thấy chán:

  • Học chán: Bài tập khó quá , học mãi không vào. Buồn ngủ…
  • Công việc chán: Có cái dự án từ đời thuở nào làm suốt, task na ná nhau lặp đi lặp đại
  • Công nghệ chán: Công nghệ cũ từ thời Napolean mặc quần đùi, công hoài không học được gì mới
  • Không theo kịp bạn bè : bạn lên chức nọ kia còn mình vẫn thế..dậm chân tại chỗ.

Việc cảm thấy chán là chuyện… hoàn toàn bình thường, ai theo ngành này cũng có lúc gặp phải, chứ không phải là do bạn không hợp với ngành, hay do bạn thế này thế nọ.

Một số cách của tôi để làm cho việc lập trình trở nên thú vị trở lại nếu bạn rơi vào trạng thái buồn chán.

Hãy Nghe nhạc

 Âm nhạc là một trong số ít những thứ trên thế giới có thể thay đổi tâm trạng của ai đó trong vòng vài giây. Lắng nghe điều gì đó khiến bạn hạnh phúc và gợi lại những kỷ niệm đẹp.

Tips: Hãy nghe nhạc giúp bạn suy nghĩ, với ít nhịp và giọng hát để giúp bạn tập trung trong thời gian dài hơn. Quá nhiều tiếng ồn sẽ khiến bạn nhanh chóng mệt mỏi hơn.

Phải chăng bạn đang có quá nhiều thứ để làm?

Bạn bắt đầu hoảng hốt khi nghĩ về ti tỷ thứ cần thực hiện. Và trước khi bạn biết mình cần làm gì, bạn lúc nào cũng sẽ nghĩ quá lên và rối tinh rối mù trong mớ công việc lộn nhào.

Điều này thực ra cũng bình thường thôi, anh công nhân, bác thợ xây hay ông giám đốc – ai cũng đều có ti tỉ thứ để mà làm cả. Nhưng khi điều đó xảy ra, đừng để cảm xúc lấn át mà thay vào đó, bạn chỉ cần sử dụng 1 mẹo khá đơn giản sau: Tập trung hoàn toàn vào thứ bạn đang làm. Nếu khó quá, hãy cầm giấy bút lên và sắp xếp lại 1 chút. Đôi khi vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có quá nhiều thứ lộn xộn trong tâm trí, nên khi mọi thứ xảy ra, cách hiệu quả là ghi lại mọi thứ thành 1 list với thứ tự ưu tiên rõ ràng, vẽ vời hoa lá một tí cũng chẳng sao. Điều này sẽ giúp bạn đặt mọi thứ vào trật tự và khiến dòng suy nghĩ trở nên mạch lạc hơn. Nếu điều đó vẫn không có hiệu quả, đừng ngại dành cho mình một giấc ngủ 15’. Ngủ là một cách hiệu quả để giảm stress.

Tips: Khi có quá nhiều thứ để làm, bạn nên bắt đầu đặt thứ tự ưu tiên cho chúng và đánh giá xem đâu là việc quan trọng hơn. Tự hỏi bản thân mình rằng: Mình có thật sự cần làm nó hay không? Nếu có thì nó mang lại giá trị gì?

Luôn luôn nghĩ rằng “Mình làm được tuốt”

Tâm lý này sẽ tạo nên một động lực tích cực để có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, bạn cần phân định rạch ròi rằng, mình vốn dĩ chẳng thể nào học cái gì đó 100%, và sẽ luôn luôn cần tiến bộ, cải thiện và cố gắng không ngừng. Đặt câu hỏi là một cách tuyệt vời để nhìn sâu vào những vấn đề và ý tưởng, đặc biệt là khi bạn làm việc trong 1 tổ chức. Tôi nhận thấy rằng, những người làm tốt luôn là những người biết đặt câu hỏi và sẵn sàng tìm hiểu kiến thức mới.

Đọc sách báo, xem video là những nguồn tài liệu tốt để trau dồi bản thân, nhưng đặt câu hỏi sẽ giúp bạn thu lượm được những kiến thức độc đáo từ chính trải nghiệm cá nhân của người trả lời. Lập trình là một nghề, và “trăm hay” chẳng thể bằng “tay quen”, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau luôn là cách hữu dụng nhất. Cùng nhau chúng ta có thể đạt được mục tiêu nhanh hơn đi một mình.

Tips: Khi đặt câu hỏi, chắc chắn rằng bạn đã hiểu vấn đề. Xây dựng hiểu biết dựa trên một nền tảng sẵn có sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Còn nếu nhỡ may bạn chẳng hiểu gì cả, cũng cứ hỏi đi đừng nghĩ ngợi gì, vì thực ra ai cũng có lúc như vậy mà.

Nghệ thuật của việc học

Có một câu nói thế này: Khi bạn thực sự học được điều gì đó, bạn sẽ nhận ra mình chẳng biết gì nhiều.

Học tập là một quá trình phụ thuộc vào thời gian với những kỷ luật xuyên suốt. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chúng ta hay cho rằng chỉ cần xem vài video trực tuyến, đọc mấy bài báo hoặc nghe các cuộc nói chuyện mà mình bỗng chốc trở nên thông minh hơn.

Nhưng thật không may, điều đó chẳng hề đúng với tất cả mọi người. Kiến thức được xây dựng dựa trên việc sử dụng những gì bạn đã học và đưa nó vào thực tế. Bạn muốn tìm hiểu làm thế nào để sử dụng React, Angular, hoặc bất framework nào khác? Hãy bắt tay vào xây dựng từ những điều đươn giản nhất.

Tips: Nếu bạn đang vật lộn với việc học, hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ nhất, mô phỏng những chương trình bạn cảm thấy thú vị theo cách của riêng mình.

Nghỉ ngơi thường xuyên

Trong những ngày đầu lập trình, tôi đã hiểu rằng lập trình là tự nhốt mình trong một căn phòng tối và code cả ngày – điều khá tương tương tự như những gì chúng ta thấy trên phim ảnh ngày này. Tuy nhiên, tôi dần nhận ra rằng lập trình đòi hỏi phải nghỉ giải lao, tương tự như những gì vận động viên làm trong hầu hết các hoạt động thể thao như đấm bốc, bóng đá, bóng rổ, v.v.

Hãy nghĩ về bộ não như một động cơ xe hơi. Và một động cơ cần gì? Nó cần xăng dầu để hoạt động phải không? Đối với bạn, điều đó có nghĩa là bạn cần ăn thực phẩm lành mạnh, uống nước và nghỉ ngơi để thực hiện một công việc tốt. Cho tâm trí mình những quãng nghỉ, những nốt lặng sẽ  mang lại những suy nghĩ sáng tạo, và suy nghĩ sáng tạo dẫn đến giải quyết vấn đề tốt hơn.

Tips: Hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc. Đây là một yếu tố quan trọng mà hầu hết các lập trình viên bỏ qua.

Kết luận

Nhìn chung, lập trình là một công việc hoặc một sở thích đôi khi rất nhàm chán, thật dối trá nếu tooic ứ khăng khăng với bạn rằng lúc nào lập trình cũng vui vẻ và thú vị biết bao nhiêu. Thực tế, nó hoàn toàn có thể rút cạn năng lượng và động lực của bạn cho rất nhiều thứ khác trong cuộc sống.

Nhưng đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ cuộc. Điều thực sự ngăn cản bạn chẳng phải bugs, code hay những khó khăn trong nghề, thứ khiến bạn chùn chân thực ra lại chính là cách nhìn của bạn khi đối mặt với nó.

Vì vậy, hãy lắng nghe những gì bạn muốn – đôi khi chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi một chút, hoặc đôi khi chúng ta chỉ cần sự giúp đỡ từ ai đó. Đừng ngần ngại đưa tay nhờ trợ giúp!