Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Có một ‘Trái đất ở tương lai’?

Số phận Trái đất sẽ ra sao sau 8 tỉ năm nữa nếu không bị Mặt trời nuốt chửng? Câu trả lời có thể là hình ảnh của một hành tinh xa xôi vừa được giới thiên văn học phát hiện.

KMT-2020-BLG-0414, cách Trái đất 4.000 năm ánh sáng, là một hành tinh đá quay quanh một sao lùn trắng – tàn tích còn lại của một ngôi sao. Theo dự đoán, Mặt trời của chúng ta cũng sẽ biến thành sao lùn trắng sau 5 tỉ năm nữa.

Trước khi đến giai đoạn đó, Mặt trời sẽ trở thành sao khổng lồ đỏ, nuốt chửng sao Thủy, sao Kim, và có thể cả Trái đất lẫn sao Hỏa.

Nếu may mắn thoát khỏi số phận này, Trái đất có thể sẽ giống như hành tinh mới phát hiện nói trên, dần dần trôi xa hơn khỏi tàn tích nguội lạnh của Mặt trời.

Tiến sĩ Keming Zhang, nhà thiên văn học tại Đại học California San Diego và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa có sự đồng thuận về việc liệu Trái đất có thể tránh khỏi việc bị nuốt chửng bởi Mặt trời sau 6 tỉ năm nữa hay không.

Dù sao đi nữa, Trái đất chỉ có thể duy trì sự sống trong khoảng 1 tỉ năm tới, khi đại dương sẽ bốc hơi do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát – rất lâu trước khi có nguy cơ bị nuốt chửng bởi sao khổng lồ đỏ”.

Phát hiện này mở ra nhiều suy đoán về tương lai xa xôi của nhân loại.

Dù chưa biết liệu sự sống có thể tồn tại qua giai đoạn sao khổng lồ đỏ hay không, tiến sĩ Zhang đã đưa ra giả thuyết rằng con người có thể di cư đến các mặt trăng băng giá như Europa và Enceladus, vốn quay quanh sao Mộc và sao Thổ.

Những thế giới băng giá này sẽ trở thành các hành tinh đại dương trong những năm cuối đời của Mặt trời.

Nguồn : Báo tuổi trẻ