“Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc. Vừa có thể giữ gìn nhan sắc, tươi tốt màu mỡ, giỏi trị đói, giải trừ tật ách, khốn khó vô cùng linh nghiệm. Có thể làm lợi cho quốc bang, gây tổn hại cho hiền tài, sợ hãi người thanh liêm…”
“Tiền vốn là thuốc”, Trương Duyệt
Trương Duyệt là một vị quan đại thần nổi tiếng đời Đường, cũng là một tác gia lớn. Ông làm quan trải bốn đời hoàng đế, từng làm Tể tướng thời Đường Huyền Tông. Tuy là anh hào một thời, nhưng quan lộ của ông cũng gặp nhiều trắc trở, vì đắc tội với kẻ hầu cận của Võ Tắc Thiên mà ông bị giáng chức, lưu đày biệt xứ. Những trải nghiệm chìm nổi long đong đã khiến thơ văn của Trương Duyệt tràn đầy cảm thán thăng trầm.
Trong bài viết “Tiền bản thảo” (Tiền vốn là thuốc), Trương Duyệt đã trình bày kiến giải của mình về tiền tài một cách thông tục dễ hiểu và không kém phần thú vị như sau:
“Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc. Vừa có thể giữ gìn nhan sắc, tươi tốt màu mỡ, giỏi trị đói, giải trừ tật ách, khốn khó vô cùng linh nghiệm. Có thể làm lợi cho quốc bang, gây tổn hại cho hiền tài, sợ hãi người thanh liêm. Người dùng nó, ở mức bình quân thì tốt. Nếu không quân bình, thì nóng lạnh công kích lẫn nhau, khiến thân thể hỗn loạn.
Thuốc này hái không đúng thời, hái không đúng lễ thì tổn hại tinh thần. Nó hễ lưu hành thì có thể chiêu mời thần linh, linh thông với ma khí. Nếu tích mà không tán, ắt sẽ có tai họa nước lửa, cướp bóc. Nếu tán mà không tích thì đói rét, khổ nạn kéo tới. Đạo vừa tích vừa tán, không cho rằng nó trân quý thì được gọi là Đức, lấy nó mà hợp lý thì gọi là Nghĩa, không cầu những thứ không trong phận sự gọi là Lễ, bố thí cứu tế cho bách tính gọi là Nhân, xuất ra không lỡ hạn thì gọi là Tín, không để nó hại mình thì gọi là Trí.
Dung luyện bằng bảy thuật này, mới có thể dùng nó lâu dài, khiến con người được trường thọ. Nếu dùng nó phi lý thì chí nhược, thần khí bị tổn thương, ắt phải kiêng kỵ.”
Bài viết của Trương Duyệt tuy ngắn ngủi nhưng lại nói rất thấu triệt về tiền tài.
“Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc” chỉ vài từ ngắn ngủi đã định nghĩa được về loại thuốc có vị đặc biệt này. Nó là cơm trong đĩa, là áo trên thân, là mái nhà chắn gió che mưa, là ngày tháng phóng túng thích gì làm nấy, cho nên nó có “vị ngọt”. Người người đều thích nó, muốn gần nó và truy cầu nó. Nhưng nó có tính “nóng hổi” nên dễ khiến người khác yêu thích, mê muội đến nỗi trong mắt, trong tâm chỉ có tiền, không có thứ gì khác trên đời. Phát điên vì nó, phát cuồng vì nó, vì nó mà ào ạt đập đầu vào tường. Kết quả của tính nóng chính là “có độc”, nghiêm trọng hơn, có người còn bị nó dẫn vào nấm mồ.
Hiệu quả của loại thuốc này rất thần kỳ, chỉ cần “uống” nó thì sẽ thấy công hiệu ngay tức khắc. Hai mắt sáng rực, mặt mày rạng rỡ, ngẩng cao đầu ưỡn ngực, tiếng vang như chuông, như tặng ô trong mưa, tặng than trong tuyết.
Quốc gia có đủ tiền trong quốc khố thì lợi dân, mạnh nước, khiến ngoại bang phải kính phục. Nó còn khiến những bậc hiền tài thông minh, lão luyện bị bôi nhọ, nhọc thân, thậm chí vạn kiếp chẳng thể minh oan. Nhưng nó cũng có khắc tinh, những người “thanh liêm” khiến nó bất lực.
Tiền tài khi lấy cũng cần phải có đạo, không mưu cầu những thứ không trong phận sự, nếu không sẽ bị Thần linh giáng họa trách phạt. Tích tiền không sai, nhưng khi cần chi cũng phải chi, bản thân chức trách của tiền là lưu thông, nếu bị chặn bất động thì xã hội sao có thể vận hành? Nếu chỉ tiêu tiền mà không kiếm tiền thì lại chạy sang một cực đoan khác, đói rét ắt sẽ gõ cửa.
Những nhà quyền quý dư thừa tiền tài, thì tốt nhất nên xả bỏ những phần dư thừa, cứu tế cho người nghèo, kẻ yếu đang đói khát, tạo phúc cho xã hội. Nếu không, không chỉ không thể phát triển bền lâu, đạt được hạnh phúc chân chính, mà thậm chí còn chiêu mời họa hại khôn cùng: “Nếu không quân bình, thì nóng lạnh công kích nhau, khiến thân thể hỗn loạn.”
Dùng tiền đúng mực là Đạo. Không coi tiền như bảo vật là Đức. Phó xuất tiền tương ứng với điều đắc được là Nghĩa. Không tham tiền tài không trong bổn phận là Lễ. Thích bố thí, cứu đói là Nhân. Chi dùng tiền theo lời hứa là Tín. Không để tiền tài làm tổn hại tới mình là Trí. Hiểu được tiền thì nó sẽ trở thành loại thuốc đặc hiệu, “khiến con người được trường thọ”. Ngược lại thì có thể khiến thương tích đầy mình, thân bại danh liệt, nên phải vô cùng chú ý.
Tự cổ chí kim “tiền” luôn là một vấn đề “vĩnh hằng”, những định nghĩa về nó cũng muôn màu muôn vẻ.
Có người tôn thờ nó: “Không cánh mà bay, không chân mà chạy, không nơi xa nào không tới, không chốn tối nào không về. Người vô đức tôn sùng nó, kẻ thất thế ham thích nó. Nguy có thể biến thành an, chết có thể sống lại, tôn quý có thể thành bần hèn, sinh có thể bị bắt chết.”
Có người sợ hãi nó: “Cốt nhục vì nó mà ly gián, thân sỹ vì nó mà bại danh, thương nhân vì nó mà nhọc thân, dân tình vì nó mà tranh đấu. Nó lũng đoạn cả đời người, người đắc phúc thì ít, kẻ gặp họa thì nhiều. Nó quả là vật sát nhân nhưng con người lại không tỉnh ngộ.”
Có người mắng nhiếc nó: “Mắng tiền rằng: Vật súc sinh! Cương thường luân lý bị ngươi làm bại hoại, vương pháp triều đình bị ngươi bẻ cong, vì mình sát nhân mà không đền mệnh, hiền tài không có ngươi không được trọng dụng. Xem ra cần băm chặt ngươi, cho vào dầu sôi, cho vào lồng hấp!”
Những định nghĩa về tiền xưa nay nhiều vô số. Nhưng coi tiền là thuốc thì có lẽ chỉ có mình Trương Duyệt. Ví tiền như thuốc, bàn luận cách trị liệu lợi hại của nó một cách giàu tính triết lý, dùng ngụ ngôn để giáo dục con người, quả là một áng văn chương sâu sắc và thú vị.
Theo “TriThucVN”
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE