Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm?

Đã bao giờ bạn mắc kẹt trong một cuộc họp kéo dài 2 tiếng đồng hồ cùng với 10 người, một đống ý tưởng được brainstorm kín giấy tờ, bảng trắng – trên đó chi chít những gạch nối và sơ đồ tư duy nhưng vẫn không thể nào giải quyết được chỉ một vấn đề bế tắc?

Mọi thứ như một đám len bị con mèo làm rối tung lên, mười bộ não đều đã kiệt sức vì hoạt động hết công suất. Bạn cảm thấy hơi nóng bốc lên từ đầu mình và đó là lúc bạn biết không ai thể có thêm bất kỳ suy nghĩ sáng suốt nào nữa.

Thế là bạn bỏ cuộc. Mặc kệ đám len bùng nhùng cùng với con mèo nghịch ngợm trong đầu mình, bạn quyết định giải tán cuộc họp, lái xe về nhà và đi tắm.

Nhưng kỳ lạ thay, chính trong những giây phút mà bạn đã buông xuôi, khi bạn chẳng nghĩ ngợi gì nữa – tất cả những gì bạn cảm nhận được chỉ là làn nước ấm đang chảy ra từ vòi sen – thì ý tưởng lại đột nhiên xuất hiện. Bạn lần ra đầu dây của cuộn len và nó như được bôi sáp để thoát ra khỏi toàn bộ đám rối.

Thậm chí, đó còn là một ý tưởng xuất thần đến nỗi bạn phải chạy ngay ra ngoài để viết chúng xuống. Không đến nỗi như Archimedes khỏa thân trên đường phố, nhưng thứ mà bạn vừa trải nghiệm chính là một khoảnh khắc “Eureka!”, một ý tưởng nảy ra trong phòng tắm.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 1.

Khi tôi hỏi mọi người xung quanh mình – những người làm trong lĩnh vực sáng tạo như thiết kế, marketing, sản xuất nội dung – rằng họ đã từng nghĩ ra một ý tưởng đột phá trong phòng tắm hay chưa, tất cả đều nói có. Họ thậm chí còn tận dụng nó như một mẹo tâm lý.

Khi bị bí ý tưởng, những công nhân trong ngành công nghiệp sáng tạo này sẽ chọn đi tắm, đi gội đầu hoặc đơn giản là ra khỏi phòng họp và hút thuốc… Một số dắt chó đi dạo còn số khác sẽ dành cuối tuần của mình để đạp xe băng qua những con đường ở ngoại ô.

Đặc điểm chung của những hoạt động này là chúng đều không đòi hỏi phải suy nghĩ. Về cơ bản, họ có thể đặt não bộ của mình về một chế độ tự lái. Đó là lúc tâm trí họ được thả tự do để lang thang về miền vô thức.

Các nhà khoa học đã dành ra hơn một thập kỷ rưỡi để nghiên cứu hiện tượng này. Họ gọi đó là “dòng chảy của tâm thức”, một loại nhận thức tự phát sẽ đưa chúng ta tới những miền tâm trí màu mỡ, nơi bạn có thể tìm được những ký ức độc đáo tưởng chừng đã thất lạc hoặc tạo ra những ý tưởng mới mang tính sáng tạo đột phá.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tất cả những hiện tượng đó, và cách để khai thác suối nguồn sáng tạo trong não bộ, bắt đầu từ một khái niệm gọi là:

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 2.

Chúng ta biết não bộ là một mạng lưới kết nối của khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh gọi là neuron. Các neuron được mắc nối với nhau thông qua những sợi cáp cực nhỏ được gọi là sợi nhánh và sợi trục.

Mỗi tế bào thần kinh đều là một điểm nút giao thông kết nối 100.000 tế bào thần kinh khác xung quanh. Những tế bào này đang giao tiếp mọi lúc bằng những luồng tín hiệu điện hóa– thứ mà bạn có thể nhận ra bằng vệt lóe sáng trên phim chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

Các nhà khoa học ước tính: Trong bộ não của mỗi người chúng ta đều có tới 100 nghìn tỷ (10 mũ 15) con đường kết nối. Điều này biến não bộ trở thành một trong hai cấu trúc phức tạp nhất tồn tại trong vũ trụ. Cấu trúc còn lại chính là vũ trụ với khoảng 100 tỷ thiên hà chúng ta quan sát được.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 3.

Thế nhưng, trong phần lớn lịch sử nghiên cứu kéo dài 4.000 năm, con người chỉ biết đến bộ não như một chiếc hộp đen không hơn không kém. Đó là một chiếc hộp mà khi chúng ta đưa thông tin (input) vào đó qua các giác quan, nó sẽ trả ra một nhận thức (output) hoặc một tập tín hiệu điều khiển cơ thể bạn vận động và phản ứng với thế giới.

Trong nỗ lực giải mã chiếc hộp đen trong não bộ, các nhà khoa học trước thế kỷ 19 đã tiếp cận theo hướng giải phẫu lâm sàng. Họ chia não bộ ra thành các vùng khác nhau, ví dụ như bán cầu trái, bán cầu phải, các thùy như thùy trán, thùy chẩm, thùy đỉnh, các tuyến như tuyến yên, tuyến tùng…

Trong thời kỳ đỉnh cao của lý thuyết này, bộ não của con người đã được chia nhỏ thành 52 phần khác nhau trong một bản đồ não có tên là Brodmann do nhà thần kinh học người Đức, Korbinian Brodmann công bố lần đầu năm 1909.

Với việc cắt lát bộ não theo các ranh giới vật lý, các nhà giải phẫu học có thể tạm thời nói vùng não nào chịu trách nhiệm cho chức năng nào. Và điều đó trở nên hữu ích cho bác sĩ phẫu thuật, những người cần biết nếu họ can thiệp vào một khối u ở vỏ não vận động bên bán cầu não phải, thì bệnh nhân sau đó sẽ có nguy cơ bị liệt tay hoặc chân bên trái của họ.

Mặc dù vậy, việc phân lô não bộ sẽ thất bại trong việc giải thích nhiều năng phức tạp như khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, trạng thái tập trung và đặc biệt là khả năng sáng tạo… Khi những hoạt động này diễn ra, các nhà khoa học quan sát thấy không chỉ một mà nhiều khu vực tách biệt của não bộ chúng ta cùng được kích hoạt.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 4.

Điều đó có nghĩa là không có một khu vực riêng nào của não bộ chịu trách nhiệm cho khả năng sáng tạo. Thay vào đó, não bộ chúng ta được kết nối theo những mạng lưới phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta biết trước đó.

Vì vậy, bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, câu hỏi trọng tâm của lĩnh vực thần kinh học đã chuyển từ “Phần nào của não bộ chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ này?” sang “Mạng lưới nào của não tham gia vào chức năng đó?”.

Vừa hay, đây cũng là khoảng thời gian các kỹ thuật chụp ảnh não bộ đạt được tới độ chính xác đủ cao, cho phép các nhà thần kinh học nhìn xuyên qua hộp sọ để tìm hiểu hoạt động của các mạng lưới neuron nhất định.

Sử dụng một nguyên lý giống với trò chơi dò mìn, họ có thể lập bản đồ các tuyến đường tín hiệu trong não bộ. Từng tình nguyện viên sẽ được đưa vào những cỗ máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

Đây là những cỗ máy vô cùng hiện đại, có khả năng phát hiện ra những tín hiệu điện dao não bộ, tại các vị trí nhất định của não. Ví dụ, khi tình nguyện viên nhấn một chiếc nút bằng tay phải, cỗ máy sẽ ghi lại được những tín hiệu não điều khiển hành động nhấn nút đó.

Trên màn hình chiếu phim chụp trong thời gian thực, vùng vỏ não vận động bán cầu phải của tình nguyện viên sẽ sáng lên. Nó đại diện cho một phần hoạt động của mạng lưới cảm giác (Sensorimotor Network), thứ đang kiểm soát các chức năng giác quan và vận động của chúng ta.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 5.

Bằng cách tương tự, các nhà khoa học đã lần lượt tìm ra được thêm 6 mạng lưới khác trong não bộ bao gồm: Hệ thống thị giác (Brain’s Visual System) có chức năng thu nhận, xử lý và nhận diện hình ảnh; Hệ thống limbic (Limbic System) điều chỉnh phản xạ, cảm xúc, trí nhớ và khả năng học tập của bạn; Mạng lưới chú ý (Dorsal Attention Network) hoạt động rất mạnh khi bạn ở trong trạng thái tập trung cao độ.

Ngoài ra chúng ta còn có Mạng hướng đối tượng (Salience Network) và Mạng lưới điều hành trung tâm (Central Executive Network). Chức năng của hai mạng lưới này là thứ chúng ta sẽ nói tới sau khi tìm hiểu về một mạng não đặc biệt gọi là:

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 6.

Mạng chế độ mặc định được Marcus Raichle, một nhà thần kinh học tại Đại học Y khoa Washington tìm thấy và đặt tên vào năm 2001. Giống như các đồng nghiệp của mình trên khắp thế giới, Raichle khi đó đang nỗ lực tìm hiểu về các mạng lưới trong não bộ.

Ông cũng đưa từng tình nguyện viên của mình vào máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và quan sát khu vực nào trong não bộ của họ sẽ sáng lên khi thực hiện các nhiệm vụ trí óc.

Thông thường, giả định được đặt ra là: Não bộ trong trạng thái căng thẳng phải hoạt động mạnh hơn trong trạng thái nghỉ.

Nhưng những gì mà Raichle thấy trên ảnh PET lại tiết lộ điều ngược lại. Hóa ra trong trạng thái nghỉ ngơi, tình nguyện viên tưởng chừng như không suy nghĩ gì thì một số vùng não của họ lại hoạt động rất tích cực.

Đó là một mạng lưới kéo dài từ vỏ não sau đến vỏ não trước trán, hai bên thái dương và cả vùng hồi hải mã và vỏ não đỉnh. Chúng tạo ra các dao động tín hiệu ở tần số thấp, nghĩa là chỉ khoảng 1 dao động mỗi giây.

Điều đặc biệt là, mô hình dao động này luôn trở nên mạnh nhất mỗi khi não bộ rơi vào trạng thái nghỉ. Ngay sau khi tình nguyện viên được yêu cầu tập trung trở lại để hướng tới một nhiệm vụ đòi hỏi suy nghĩ, mạng não này của họ sẽ giảm hoạt động, các dao động tín hiệu tần số thấp bị dập tắt.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 7.

Trong mô tả lần đầu tiên đăng trên Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Raichle đặt tên cho mạng lưới mà ông phát hiện là “hệ thống mặc định”. Ông kêu gọi các nhà thần kinh học khác cùng tìm hiểu về nó.

Đáng tiếc trong vài năm đầu, không có quá nhiều người quan tâm đến một hệ thống như vậy. Các nhà khoa học và ngay cả Raichle cũng nhầm tưởng DMN chỉ là một trạng thái chạy nền, giống như một chương trình điều hành đơn giản và sẽ bị tắt khi các mạng lưới quan trọng khác của não cần oxy, máu và năng lượng.

Thế nhưng, càng dành thời gian để tìm hiểu về mạng chế độ mặc định, các nhà thần kinh học càng phải ngạc nhiên trước những gì mà hệ thống này làm được. Điều đó đã trực tiếp dẫn tới một sự bùng nổ trong số lượng các nghiên cứu công bố liên quan đến mạng chế độ mặc định.

Thống kê cho thấy trong vòng 7 năm tính từ năm 2001 đến năm 2007, chỉ có 12 bài báo được xuất bản nói về mạng chế độ mặc định. Nhưng trong 7 năm tiếp theo từ 2007 đến 2014, số lượng bài báo đã tăng lên tới 1.384 bài, con số tương đương 1000%.

Tại sao lại có sự bùng nổ như vậy? Hóa ra, DMN không chỉ là một mạng não chạy nền, nó tham gia tích cực vào rất nhiều nhiệm vụ “sâu bên trong tâm trí”, chẳng hạn như khi bạn nghĩ về bản thân, nhớ lại quá khứ hoặc tự mình lập kế hoạch cho tương lai.

Trong khi DMN hoạt động, nó sẽ dẫn tâm trí của bạn vào một miền đất hoang vu của tiềm thức. Bạn sẽ đóng vai một kẻ lữ hành lang thang, đi từ hết ký ức tự truyện này sang ký ức tự truyện khác, thứ mà trong các nhiệm vụ tập trung ra thế giới bên ngoài bạn sẽ không bao giờ trải nghiệm được.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 8.

Hoạt động của mạng chế độ mặc định vì vậy sẽ đối lập với Mạng lưới điều hành trung tâm (Central Executive Network). Nghiên cứu cho thấy CEN là mạng não hướng tới các nhiệm vụ liên quan đến thế giới bên ngoài.

Đúng như tên gọi của nó, điều hành trung tâm, CEN thu thập dữ liệu từ những mạng não khác, phân tích và đưa ra quyết định cho hành động của bạn. Ví dụ, khi dạ dày của bạn bắt đầu thấy đói và bạn nghĩ mình cần phải đi ăn thứ gì đó, CEN sẽ thu được các thông tin này từ mạng lưới cảm giác (SN) và hệ thống limbic (LS) của bạn.

Sau đó, bó bắt đầu phân tích và chỉ đạo LS khiến bạn đứng dậy, đi vào bếp và mở tủ lạnh. Bây giờ, giả sử mạng SN nhìn thấy có một quả táo và một chiếc bánh ngọt. Theo phản xạ limbic, bạn sẽ chọn bánh ngọt vì thích bánh hơn. Nhưng mạng điều hành trung tâm lúc này bắt đầu suy tính. Nó nói bạn phải chọn táo, vì táo lành mạnh hơn.

Theo cách đó, CEN hoạt động để kiểm soát lý trí và những tính toán cụ thể, logic của bạn, từ việc chọn đồ ăn nào, cho tới việc đi nước cờ nào tiếp theo trên bàn cờ vua hoặc phân tích thị trường chứng khoán.

Một điều thú vị mà các nhà khoa học quan sát được là sự đối nghịch giữa hoạt động của mạng điều hành trung tâm và mạng chế độ mặc định. Khi CEN được kích hoạt thì DMN sẽ bị tắt và ngược lại.

Sự lệch pha này được điều khiển bởi một mạng lưới khác trong não được gọi là Mạng hướng đối tượng (Salience Network). SN hoạt động giống như một công tắc điều hướng bạn hoặc chỉ nghĩ tới thế giới bên ngoài hoặc chỉ lang thang đi vào miền ký ức.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 9.

Một khi công tắc này bị hỏng, nó có thể gây ra các ảo giác lẫn lộn giữa hai thế giới giống như những gì bệnh nhân tâm thần phân liệt gặp phải. Thế nhưng, điều kỳ lạ là ở một mức độ chồng chập nhất định, sự hoạt động song song giữa mạng CEN, DMN và SN lại có thể sản sinh ra những ý tưởng vô cùng sáng tạo.

Đó có thể chính là những gì đã xảy ra, khi chúng ta bỏ đống công việc lại và đi tắm. Dòng nước từ vòi sen đã kích hoạt mạng chế độ mặc định và mở ra cánh cửa giúp chúng ta đi vào…

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 10.

Sáng tạo được định nghĩa đơn giản là khả năng tạo ra những sản phẩm mới và hữu ích. Sản phẩm của quá trình sáng tạo có thể là một vật thể vô hình, chẳng hạn như một ý tưởng, một lý thuyết khoa học, một giai điệu âm nhạc hoặc một câu truyện cười. Nhưng chúng cũng có thể hữu hình như một bức tranh, một tiểu thuyết hoặc một phát minh khoa học.

Trong suốt quá trình tiến hóa, loài người đã sử dụng khả năng sáng tạo vượt bậc của mình để đặt nền móng cho từng nấc thang xây dựng nền văn minh. Từ việc sử dụng lửa, các công cụ bằng đá cách đây hàng triệu năm, cho tới các lý thuyết điều hành thị trường kinh tế, hiểu biết về vũ trụ và phương tiện du hành không gian… tất cả đều là sản phẩm của quá trình sáng tạo.

Bản chất của hoạt động sáng tạo vì thế luôn là một chủ thể nghiên cứu hấp dẫn mọi nhà khoa học, dù là trong lĩnh vực ngôn ngữ, tâm lý, xã hội, kinh tế học cho tới giáo dục, khoa học công nghệ và tất nhiên cả thần kinh học.

Dưới góc nhìn của mình, các nhà thần kinh học từ lâu đã muốn tìm kiếm khu vực nào bên trong não bộ chịu trách nhiệm cho chức năng sáng tạo. Họ thực hiện điều đó bằng các thí nghiệm đánh giá tư duy phân kỳ thông qua nhiệm vụ thay thế.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 9.

Tư duy phân kỳ là một phương pháp suy nghĩ mang tính tự do, phi tuyến tính đại diện cho hoạt động sáng tạo bằng cách khám phá nhiều giải pháp khả thi cho một vấn đề. Còn nhiệm vụ thay thế là một bài kiểm tra, trong đó các nhà khoa học đưa ra một đồ vật thông dụng, chẳng hạn như một chiếc kẹp ghim hay một viên gạch, rồi yêu cầu tình nguyện viên liệt kê tất cả những công dụng họ có thể nghĩ ra với đồ vật đó.

Ví dụ với một chiếc ghim, việc sử dụng nó để kẹp giấy rõ ràng là không sáng tạo bằng dùng nó để treo đồ trang trí, hoặc biến chiếc ghim thành một dụng cụ mở khóa. Các nhà khoa học có những tiêu chí rõ ràng để có thể chấm điểm sáng tạo của tình nguyện viên trong các nhiệm vụ thay thế này.

Trong hơn một thập kỷ qua, họ đã thực hiện hàng trăm thí nghiệm liên quan đến việc đưa hàng ngàn tình nguyện viên vào máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và nhận thấy: Sự hoạt động của mạng chế độ mặc định trong não bộ có mối liên hệ tương quan với suy nghĩ sáng tạo.

Điều đó có nghĩa là khi các điểm nút của mạng chế độ mặc định hoạt động càng mạnh, tình nguyện viên càng có những suy nghĩ sáng tạo hơn, thể hiện bằng điểm số cao hơn trên thang đo tư duy phân kỳ.

Một mối tương quan thuận khác được tìm thấy giữa hiệu suất sáng tạo và khối lượng chất xám khu trú trong các vùng não thuộc mạng chế độ mặc định. Càng có nhiều chất xám trong các khu vực này, tình nguyện viên càng có khả năng sáng tạo cao hơn.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 12.

Gần đây nhất, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Molecular Psychiatry đầu năm 2022 thậm chí còn tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của mạng chế độ mặc định và tư duy sáng tạo.

Không sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ fMRI, 13 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu này đã được mổ mở sọ và kích thích điện trực tiếp vào vùng mạng DMN trong não của họ.

Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Ben Shofty, tại Đại học Tel Aviv, Israel cho biết: Khi các kích thích điện làm gián đoạn mạng chế độ mặc định, khả năng sáng tạo và điểm số tư duy phân kỳ của họ giảm xuống. Ngược lại, kích thích điện ngoài mạng DMN không làm giảm điểm sáng tạo của tình nguyện viên.

Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ nhân quả giữa mạng chế độ mặc định và tư duy sáng tạo“, nghiên cứu viết.

Các bằng chứng trong nghiên cứu tâm lý học cũng phù hợp với những gì mà các nhà thần kinh học đã tìm thấy. “Mạng chế độ mặc định dường như là một trong những nguồn gốc quan trọng của sự sáng tạo”, Jonathan Schooler, một nhà tâm lý học đến từ Đại học California cho biết.

Năm 2019, ông và các đồng nghiệp của mình đã tiến hành một khảo sát ngoài đời thực với 185 nhà vật lý và nhà văn và nhận thấy những ý tưởng đột phá nhất mà họ có được là trong khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc không làm việc.

Khi tâm trí bạn rời khỏi một tình huống căng thẳng bên ngoài để quay vào với những mộng tưởng bên trong, đó là nơi bạn có thể tìm thấy những cái nhìn thấu suốt vô cùng sáng tạo. Lý do bởi trong trạng thái dễ chịu này, bạn cho phép những suy nghĩ tinh nghịch của mình lướt qua tâm trí… điều này tạo cơ sở cho những ý tưởng tự phát nảy sinh“.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 13.

Roger Beaty, một nhà khoa học thần kinh nhận thức, hiện đang là giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh sáng tạo tại Đại học Penn State đồng ý với điều đó. “Khi bạn không cố giải quyết một vấn đề, bộ não vẫn sẽ tiếp tục làm việc, mọi thứ vẫn quay vòng vòng giúp bạn tái cấu trúc các yếu tố xung quanh vấn đề đó. Và khi các mảnh ghép của vấn đề được sắp xếp hợp lý, một ý tưởng sẽ lóe lên”.

Ngược lại, Beaty cho biết nếu bạn tiếp tục sa lầy vào một nhiệm vụ tâm trí khó khăn nào đó, các mạng não khác như mạng điều hành trung tâm (CEN) và mạng lưới chú ý (DAN) sẽ chiếm giữ suy nghĩ logic và phân tích của bạn.

Mạng DMN không được truy cập sẽ làm giảm khả năng xáo trộn và sắp xếp thông tin, thứ giúp bạn mô phỏng các tình huống và khả năng khác nhau. Kết quả là bạn sẽ không có được những ý tưởng mới quá sáng tạo hoặc đột phá.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 14.

Vậy nếu chính việc thả nổi tâm trí mới giúp chúng ta tìm kiếm sự sáng tạo, tại sao chúng ta vẫn thấy ý tưởng này có một chút gì đó lạ lẫm?

Kalina Christoff, một nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học British Columbia, cho biết: “Mọi người luôn ngạc nhiên mỗi khi họ nảy ra được những ý tưởng thú vị và mới lạ trong một thời điểm không ngờ tới. Nguyên nhân của điều này đến từ câu chuyện văn hóa của chúng ta”.

Có một quan điểm phổ biến cho rằng sáng tạo là hệ quả của một quá trình phân tích thông tin. Điều đó có nghĩ là bạn càng có nhiều thông tin thì càng tốt. Não bộ cần nhiều thông tin để có thể xáo trộn chúng, kết nối chúng và tìm ra một cái gì đó mới.

Để có được thông tin, bạn sẽ phải đẩy hoạt động của các mạng thị giác, limbic, cảm giác, và mạng điều hành trung tâm lên càng cao càng tốt. Đây cũng là nền tảng của một xã hội đề cao sự chăm chỉ và gắn nó với năng suất làm việc.

Ngay từ khi còn nhỏ, mọi người đã được dạy rằng cần cù, chịu khó là những đức tính tốt và cần thiết cho sự thành công. Lớn lên, văn hóa 996 được một số nhà điều hành doanh nghiệp cổ vũ.

996 nghĩa là bạn phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Trong một môi trường như thế, những nhà quản lý chắc chắn sẽ phật lòng khi có những nhân viên nói với họ rằng: “Em bị bí ý tưởng và em cần ra ngoài 1 tiếng để gội đầu thư giãn”.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 15.

Nhưng như Christoff nói, sáng tạo trong những thời điểm nhàn rỗi mới là trải nghiệm phổ quát của con người. Và ngay cả khi đang làm việc hoặc ngồi trong phòng họp, nhiều khi bạn cũng không biết tâm trí mình đang đi lang thang.

Trong một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) năm 2020, khi các nhà khoa học sử dụng điện não đồ để theo dõi hoạt động não của tình nguyện viên, họ phát hiện ra tới 47% thời gian những tình nguyện viên này đang để tâm trí đi lang thang.

Beaty, nhà thần kinh học tại Đại học Penn State, cho biết dù bạn có để ý hay không, tất cả chúng ta đều thường xuyên để tâm trí của mình lang thang đâu đó giữa các nhiệm vụ trí óc và tiềm thức, giữa không gian nội tâm và nhận thức về thế giới bên ngoài.

Những hoạt động lang thang tự phát này xảy ra trong não bộ mà không cần chúng ta chỉ đạo. Đó là thứ cho phép bạn kích hoạt mạng chế độ mặc định và khai thác dòng suối sáng tạo trong não bộ của mình.

Ngoài việc lang thang trong miền vô thức, bạn cũng có thể tự mình kích hoạt mạng chế độ mặc định một cách có ý thức. Bí quyết là hãy tạo ra một hoạt động nào đó không đòi hỏi cao về mặt nhận thức. Đối với đa số mọi người, đó là việc đi dạo hoặc tắm nước ấm. Đối với một số người khác, đó là việc rời khỏi phòng họp 10 phút và ra ngoài hút thuốc.

Tất nhiên chúng ta không cổ vũ việc hút thuốc để giải quyết vấn đề. Nhưng bạn có nhận thấy chính hành động đi hút một điếu thuốc lại có ích cho tâm trí. Bạn ra khỏi phòng họp, rời bỏ một môi trường căng thẳng, tới nơi thoáng đãng, có nhiều cây cối và bắt đầu hít thở sâu mà không nghĩ ngợi gì cả.

Vì vậy, công thức chung để tạo ra một khoảng thời gian lang thang cho tâm trí, đó là bạn cần đặt được mình vào một trạng thái an toàn về mặt tâm lý, nơi không có một nguy cơ nào rình rập, một suy nghĩ bất thường nào có thể nảy ra và tạm quên đi nhiệm vụ trước đó mà bạn đang thực hiện.

Trong một nền văn hóa tôn thờ sự chăm chỉ, bạn có thể thấy điều đó là tội lỗi. 15 phút ra ngoài giữa cuộc họp, một tiếng đi gội đầu trong giờ làm việc, một buổi chiều câu cá và thư giãn ở vùng ngoại ô…

Nhưng như Christoff, nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học British Columbia, cho biết: Yếu tố chính là bạn cần kéo dài hoạt động lang thang này đủ lâu “để tạo cơ hội cho những suy nghĩ mới mẻ”. “Đó là lúc tâm trí bạn được đưa tới những miền đất mới”, cô nói.

Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm? - Ảnh 16.

Schooler, nhà tâm lý học đến từ Đại học California, hoàn toàn đồng ý với điều đó. Ông cho biết: “Một trong những cái giá mà chúng ta phải trả khi sống trong một thế giới đa phương tiện là việc chúng ta không còn đủ thời gian cho những mơ mộng của cá nhân mình”.

Vì vậy lần tới, khi bạn đang mắc kẹt trong một phòng họp với những chiếc bảng chứa đầy sơ đồ tư duy nhưng mọi người thì không nói gì, hãy ra ngoài và dành thời gian cho tâm trí mình lang thang một chút.

Bất kể khi nào bạn gặp bế tắc trong cuộc sống cũng vậy, tại sao không dành ra một chút thời gian cho bản thân? Hãy luôn nhớ rằng, thời gian bạn thả lỏng tâm trí của mình đi lang thang cũng chính là một khoản đầu tư cho những ý tưởng mới sáng tạo, cho một giải pháp của vấn đề. Và đó cũng là khoản thời gian mà bạn có thể dành cho chính bản thân mình.

Nguồn: Genk