Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Làm gì khi không có ý tưởng?

Một người dù có giàu tính sáng tạo, luôn có nhiều ý tưởng hay nhưng cũng có những lúc họ phải gặp khó khăn và không biết phải làm như thế nào. Sự khó chịu đó càng làm họ không thoải mái khi mất đi phong độ thường ngày.

Ý tưởng không phải tự nhiên mà có, một ý tưởng dù sáng tạo cỡ nào thì cũng đều có cơ sở. Bạn không thể ngồi đó không làm gì rồi than trách là sao nó không ra. Dù bạn không biết cơ sở đó là gì nhưng mọi thứ đã nạp sẵn vào đầu bạn hết rồi, chỉ chờ có cơ hội đến thì nó sẽ ra ngay thôi.

Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn một số phương pháp, hy vọng sẽ có cách giúp bạn giải quyết được vấn đề.

1.Brainstorming

Cách này hay được gọi là công não, không phải dùng cái gì đó đập vào đầu bạn cho tỉnh ra đâu nhưng cũng cảm giác đại loại vậy. Brainstorm là phương pháp hiệu quả khi làm nhóm và cả cá nhân. Hãy lấy một tờ giấy ra, ghi hay vẽ tất cả những gì bạn nghĩ ra trong đầu về đề tài hay đồ án bạn đang làm. Ghi một cách nhanh nhất, ngắn gọn nhất, càng nhiều càng tốt, không cần phải đẹp. Sau khi đã đầy tờ giấy lại, lúc này soi vào từng ý mà bạn đã ghi và phân tích xem có cái nào trong đó có giá trị không? Thường là sẽ có, còn nếu không, hãy tìm cách phát triển những ý tưởng chưa hợp lý. Kết hợp nhiều ý hay một không quan trọng, miễn sao bạn tìm ra ý tưởng cho mình.

2. Hãy biến mình thành một đứa trẻ

Người lớn thua trẻ con vì biết quá nhiều. Khi có quá nhiều thứ nên bạn không biết phải dùng thứ nào. Trong khi phạm vi của trẻ con biết ít hơn, chúng sẽ sử lượng hiểu biết nhỏ nhoi đó, còn lại chúng tưởng tượng. Vì bạn đã biết cái bàn hay có bốn chân nên bạn khó thoát ra khỏi đó, và hầu hết các lần bạn vẽ bàn cũng sẽ có bốn chân. Điều mình muốn nói ở đây là sáng tạo thì không được có ranh giới, người lớn hay tự giới hạn nó bằng hiểu biết của bản thân. Hãy nghĩ khác đi, quên đi những gì mình đã biết, nghĩ mình như một đứa trẻ, tưởng tượng ra nó một cách điên rồ nhất có thể. Hãy biến mình thành người ngốc ngếch, phi lý. Sau cùng mới dùng kiến thức để điều chỉnh, tiết chế nó lại cho phù hợp.

3. Đặt câu hỏi cho bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến

Khi bạn đang tìm cách sketch hình dáng của một công trình, dù bạn chưa có ý tưởng gì hết nhưng hãy đặt câu hỏi với tất cả những gì bạn liên tưởng. Ví dụ khi vẽ một đường trên giấy, bạn có hỏi tại sao mình lại vẽ đường thẳng mà không phải đường cong? Trẻ em luôn thắc mắc về những điều xung quanh, nếu bạn không thắc mắc bạn sẽ không bao giờ biết nhiều hơn cái bạn đã có.

Tại sao bạn lại được giao khu đất thế này?

Tại sao lại phải chọn lối vào chỗ này?

Cầu thang thì phải đặt ở chỗ nào?

Tại sao và tại sao?

Hãy nhìn lại những gì bạn đã hỏi và bạn đã trả lời. Ý tưởng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong quá trình ấy hay lại chính là kết quả cuối cùng từ những câu trả lời đó

4. Đừng vùi đầu quá lâu với chúng

Nếu bạn không nghĩ ra được gì, dừng lại, đừng cưỡng ép mình tiếp tục chỉ làm mất thời gian của bạn một cách vô ích thôi. Hãy đi đâu đó, làm việc gì đó bạn thích, bất cứ việc gì bạn cảm thấy thoải mái hơn. Và nhớ đừng mang gánh nặng theo lúc bạn đang chơi đá banh với mấy đứa bạn hay cứ nghĩ về đồ án khi đi đang ăn. Yên tâm, chúng không chạy đâu đâu, chúng đã được lưu vào đầu lúc nãy rồi, chỉ là giờ tạm quên. Bất cứ thứ gì gặp phải khi đầu óc bạn thoải mái nếu có liên hệ chút xíu nào với cái bạn cần làm, ý tưởng sẽ xuất hiện ngay thôi.

5. Xem các hình ảnh tham khảo có liên quan

Hành động này có khá nhiều bạn thường làm để tìm ý tưởng cho mình nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi. Đôi khi ta quá tâm đắt với ý tưởng của ai đó thì rất có thể ý tưởng đó xuất hiện trong bài của bạn như một bản sao. Nhưng nếu nó chỉ mang một chút gì đó giống giống nhưng còn lại, vẫn là ý tưởng của bạn thì không sao nhé. Một vấn đề khác là khi bạn xem quá nhiều, cuối cùng đến bài mình, cũng chả biết làm gì cả.

Không có ý tưởng là một vấn đề xảy ra thường xuyên với những người làm việc theo sự hứng thú. Nhiều người hay đổ lỗi cho nó rồi trì hoãn công việc. Nếu còn là sinh viên, việc này có thể chỉ ảnh hưởng đến môn học hay đồ án bạn đang làm nhưng với một người đã đi làm thì sẽ gây hại rất lớn vì bạn không thể nói với khách hàng là bạn chưa có hứng. Hãy làm việc một cách khoa học, bạn sẽ chẳng bao giờ ngồi yên chờ thời. Nếu thời cơ không đến, bạn bỏ cuộc sao?

Bài viết được tham khảo từ trang: https://architech.vn/lam-gi-khi-khong-co-y-tuong/