Get in touch
or send us a question?
CONTACT

LỘ TRÌNH ÔN THI CHỨNG CHỈ TESTER ISTQB FOUNDATION

thumbnail

Nếu bạn đang quan tâm đến chứng chỉ ISTQB, chắc hẳn bạn đang làm việc như một chuyên viên kiểm thử phần mềm hoặc đang tìm kiếm cơ hội làm việc trong lĩnh vực này. Thông thường, bạn sẽ cần đầu tư một khoản học phí từ 2-4 triệu cho 1 khóa luyện thi ISTQB Foundation. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể tiết kiệm bằng cách tự học với những hướng dẫn và giáo trình mà mình đề xuất dưới đây.

I. ISTQB là gì và tại sao cần thi ISTQB?

ISTQB (International Software Testing Qualifications Board) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2002, cung cấp chứng chỉ thẩm định chất lượng kiểm thử phần mềm có giá trị toàn cầu.

ISTQB® Certified Tester là chứng chỉ được công nhận trên toàn thế giới do ISTQB cung cấp dành cho những người làm trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm.

ISTQB® hiện đang cung cấp 3 mức chứng nhận:

  • ISTQB Foundation Level (CTFL): tương ứng với mức cơ bản
  • ISTQB Advanced Level (CTAL): tương ứng với mức độ nâng cao, bao gồm các nội dung:
    – Test Manager
    – Test Analyst
    – Technical Test Analyst
  • ISTQB Expert Level: tương ứng mức độ chuyên gia

Vì sao bạn nên thi ISTQB?

  • Việc sở hữu chứng chỉ ISTQB sẽ giúp các chuyên gia kiểm thử phần mềm chứng minh được kiến thức, sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm. Điều này có thể giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn và phân biệt bạn với những người còn lại đang tranh giành vị trí.
  • Chứng nhận này cũng cho người quản lý/ người phỏng vấn của bạn thấy rằng bạn đã thực hiện một nỗ lực để cải thiện chuyên môn của bạn trong ngành Kiểm Thử này như thế nào. Khi mọi người đang tìm cách để trình bày kỹ năng của họ cho nhà tuyển dụng nhìn thấy, thì giấy chứng nhận sẽ là một cách tuyệt vời để chứng minh năng lực chuyên môn của mỗi cá nhân đúng không nào?
  • Chứng nhận ISTQB giúp bạn đủ điều kiện để nhận được công việc kiểm thử ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, không như các chứng nhận khác chỉ được công nhận tại các quốc gia cụ thể.
  • Và một điều làm cho ISTQB thu hút nữa chính là chứng chỉ này không bao giờ hết hạn.

II. Các bước để tự học cho kỳ thi chứng chỉ ISTQB Foundation

Bước #1: Hiểu rõ cấu trúc đề thi, thời gian, số điểm đỗ

Để quyết định bạn có đỗ ngay lần đầu thi hay không thì tip này không thể bỏ qua đâu nhé. Vì hiểu rõ cấu trúc đề thi, bạn mới có thể quyết định mình nên tập trung ôn kĩ cho phần nào, phần nào nhiều câu hỏi và chiếm nhiều điểm.

Chi tiết về kỳ thi cấp độ ISTQB Foundation:

  • Có 2 hình thức thi: online và offline
  • Hình thức: Trắc nghiệm 40 câu
  • Ngôn ngữ: đề thi hoàn toàn bằng Tiếng Anh
  • Điểm trúng tuyển: 26/40 (65% trở lên).
  • Thời gian thi: 60 phút nếu làm bài thi online, 90 phút nếu làm bài thi offline.

Chi tiết phân bố câu hỏi trong đề thi

Các câu hỏi

Các câu hỏi thi được phân bổ trên các cấp độ K1, K2, K3, K4

  • K1: Remember (Nhớ)
  • K2: Understand (Hiểu)
  • K3: Apply (Áp dụng)
  • K4: Analyze (Phân tích)

Cấp độ đơn giản chỉ cần nhớ, học thuộc là được sau đó sẽ tăng dần độ khó và cần tư duy, phân tích

Các câu hỏi thi được phân bổ trong từng chương của ISTQB Foundation Level Syllabus

Các cấp độ

Nhìn vào sự phân bổ trên, thì bạn nên ưu tiên tập trung nhiều vào các chương chứa nhiều câu hỏi như chương 4, 5, 1, 2. Bạn có thể tập trung nỗ lực của mình vào các chương quan trọng hơn và tránh lãng phí thời gian vào các chương mà có thể chỉ nhận được một vài câu hỏi. Nó không có nghĩa là bạn bỏ qua bất kỳ chương nào, nhưng nên có sự tập trung vào các chương có nhiều câu hỏi trong đề thi trước tiên.

Bước #2: Đọc kĩ giáo trình chính và syllabus

  • Giáo trình chính: “Foundation of Software Testing_ISTQB Certification” của tác giả Rex Black, Dorothy Graham. Đây là quyển diễn giải đầy đủ nhất về khái niệm, ý nghĩa, ví dụ và bài tập.
  • Syllabus: “ISTQB_Foundation Level Syllabus_2011”. Đây là quyển rút gọn của quyển  Foundation of Software Testing, nó tổng quát hóa kiến thức một cách ngắn gọn, định nghĩa các khái niệm một cách súc tích.

Nhiều người khuyên rằng nên đọc sách giáo trình chính trước, đọc Syllabus sau vì có thể bạn sẽ không hiểu hầu hết các khái niệm nếu bắt đầu trực tiếp với Syllabus. Còn với kinh nghiệm học và thi các bạn nên đọc sách Syllabus trước, vì nó tóm tắt các phần chính cho bạn hiểu ngắn gọn, khái quát về nội dung trước đã. Trong quá trình đọc nếu các bạn cần biết thêm thông tin về phần đó thì tham khảo kỹ hơn ở giáo trình chính. Như vậy sẽ hiệu quả hơn là ngồi đọc lan man trong giáo trình chính mà không hiểu gì. Tất nhiên là nếu kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh của bạn đã tốt thì có thể không là vấn đề.

Bước #3: Tham khảo GLOSSARY (từ điển thuật ngữ)

Khi bạn đọc giáo trình chính hay sách Syllabus, bạn sẽ gặp rất nhiều thuật ngữ, định nghĩa khó hiểu, thì hãy tham khảo sách Glossary nhé. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu chính xác tài liệu mà còn giúp ăn điểm khi làm bài, bởi trong các đề thi có một vài câu hỏi về định nghĩa đấy.

Bạn có thể search trực tiếp theo LINK hoặc download TẠI ĐÂY

Bước #4: Ghi chú, Tạo bản đồ tư duy, Đọc lại thường xuyên và Tự kiểm tra

Không phải bạn nào cũng giỏi tiếng Anh, nên việc ngồi đọc như tụng kinh 1 cuốn sách toàn tiếng anh và tràn ngập những thuật ngữ khó hiểu thì thực sự quá tốn thời gian và mệt mỏi. Vậy  làm sao để có thể nhớ hết đống kiến thức trong cuốn sách dày đó? Thử thực hiện các bước như dưới đây nhé.

Tuyệt đối KHÔNG DỊCH TIẾNG VIỆT
Đọc kĩ từng câu, hiểu ý nghĩa của câu đó và gạch chân ý chính trong câu đó
Sử dụng ứng dụng Xmind để làm sơ đồ cây ghi nhớ.
Đọc đi đọc lại sơ đồ hàng ngày

Ví dụ: Dưới đây là 1 đoạn lấy ra trong sách syllabus-2011 và được gach chân các ý chính,

“1.1.2. Causes of Software Defects
A human being can make an error (mistake), which produces a defect (fault, bug) in the program code, or in a document. If a defect in code is executed, the system may fail to do what it should do (or do something it shouldn’t), causing a failure. Defects in software, systems or documents may result in failures, but not all defect do so.”

Vậy đoạn tiếng Anh dài này bạn chỉ cần nhớ như sau:

Human make error (mistake)  -> produces defect (fault,bug) in code or document -> code executed causing failure

Một ví dụ nữa khi sử dụng ứng dụng Xmind để tổng hợp kiến thức ngắn gọn về Quy trình Test

Xmind

Bước #5: Làm “SẠCH SẼ” bài tập cuối chương của sách giáo trình chính

Nhiều người thường bỏ qua bài tập cuối chương, vì nghĩ đề thi thì làm gì cho ở bài tập cuối chương và thường lên mạng tìm kiếm các bài thi online, mong rằng sẽ trúng. SAI LẦM NHÉ!. Đi thi sẽ có rất nhiều dạng giống bài tập ở cuối chương đó. Chưa kể một số bài kiểm tra online trên mạng với câu trả lời tự giải không chính xác sẽ gây cho bạn sự nhầm lẫn và mất thời gian.

Để CHẮN CHẮN ĐỖ, bạn cần:

Nắm chắc hết kiến thức trong quyển Syllabus
Làm hết bài tập cuối các chương của sách giáo trình chính. Không chỉ làm 1 lần mà là LÀM ĐI LÀM LẠI NHIỀU NHIỀU lần. Làm nhiều đến mức mà bạn có thể thuộc lòng cả câu hỏi và từng đáp án trong câu hỏi nhé.
Hiểu lý do vì sao lại chọn đáp án này chứ không phải các đáp án khác cho từng câu hỏi.

Khi đã đảm bảo hết những điều trên thì bạn có thể làm thêm các đề online. Nhưng chỉ nên chọn những đề ở các trang tin cậy, tốt nhất nên làm các bài sample exam do chính tổ chức ISTQB đưa ra.

Bước #6: Đừng dành hết thời gian vào việc làm bài tập

Đừng quá tập trung ôn tập vào các câu hỏi dạng bài tập mà bỏ qua các câu hỏi lý thuyết, vì trong đề thi chỉ có khoảng 2-3 câu là bài tập, còn lại tất cả đều là câu hỏi lý thuyết.

Bài tập hầu hết toàn liên quan đến việc xác định số lượng test case bao phủ branch, path, và statement coverage. Cố gắng hiểu rõ các khái niệm, nó sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra đáp án chính xác hơn.

Bước #7: Chú ý khi đọc đề thi

Các câu hỏi trong chứng nhận ISTQB được trình bày theo cách mà tất cả các tùy chọn trông gần giống nhau. Do đó, rất quan trọng để đọc câu hỏi và các tùy chọn cẩn thận.

Nếu bạn tìm thấy nhiều hơn một câu trả lời đúng thì hãy bắt đầu bằng việc gạch bỏ những câu trả lời sai rõ ràng. Sau đó, với những câu trả lời còn lại đang phân vân, hãy tập trung gạch chân và đọc kỹ thuật ngữ/ định nghĩa trong đó, điều khác biệt sẽ nằm ở đây đấy.
Đừng đọc lướt câu hỏi mà nên đọc hai, ba lần, cố gắng hiểu kỹ nó. Có một vài từ trong câu hỏicần bạn chú ý nhiều hơn như KHÔNG, KHÔNG BAO GIỜ, TẤT CẢ.

Trên đây là 7 bước học đạt chứng chỉ ISTQB Foundation được đúc rút từ kinh nghiệm ôn và luyện thi của nhiều chuyên viên Kiểm thử phần mềm. Thi đạt trình độ ISTQB Foundation không hề khó, nếu bạn đã có một lộ trình chắc chắn, và một sự quyết tâm, chăm chỉ cao độ. Chúc các bạn ôn tập hiệu quả và đạt chứng chỉ ITSQB trong thời gian tới nhé!

Một số trung tâm luyện thi Chứng chỉ uy tín :

Cô giáo Tạ Thị Thinh http://qr-solutions.com.vn/lich-khai-giang-cac-khoa-hoc-va-lich-thi-chung-chi/

Trung tâm Tester HN: http://testerhn.com/

Ngân Hàng câu hỏi luyện thi ISTQB kèm đáp án