Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Nếu ngủ muộn sẽ ảnh hưởng tới trí thông minh và chiều cao

Trong nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra 2 khung giờ có lợi cho trẻ, bởi đây là 2 giai đoạn trong ngày có hormone sinh trưởng tiết ra nhiều nhất, đó là từ 21 giờ tối đến 1 giờ sáng và 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng.

Vì thế, khung giờ vàng cho trẻ đi ngủ mà bố mẹ nên biết, đó là từ 9-10 giờ tối. Đừng để trẻ ngủ muộn hơn 11 giờ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý cố gắng đánh thức trẻ dậy lúc 7 giờ sáng mỗi ngày.

Ở trạng thái ngủ, theo các nhà khoa học, vỏ não con người sẽ mở ra cơ chế tự vệ, cho phép não được thư giãn sau một ngày hoạt động liên tục cũng như tự sửa chữa những tổn thương. Cũng giống như người lớn, nếu ngủ đúng giờ, ngủ đúng giấc, trẻ sẽ được tiếp đầy năng lượng cho ngày hôm sau.

Một nghiên cứu so sánh chất lượng giấc ngủ và chất lượng học tập của các bạn học sinh đã chỉ ra:

– 61% học sinh ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày có điểm số kém, 40% trong số đó khó vượt qua các kỳ thi.

– 76% học sinh ngủ từ 8 – 10 tiếng mỗi ngày có điểm số tốt, 11% trong số đó đạt điểm cao nhất lớp.

Từ đó, có thể thấy chất lượng giấc ngủ ngày hôm qua có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng của ngày hôm sau. Giống như người lớn, nếu mất ngủ thường xuyên thì cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, công việc dần đi xuống. Vì thế, bố mẹ đặc biệt nên quan tâm tới giấc ngủ của con trẻ để chúng tỉnh táo, linh hoạt, tràn đầy sức sống vào ngày hôm sau.

Giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng tới trí thông minh của trẻ mà còn tác động đến chiều cao của chúng. Vì khi một đứa trẻ đi vào giấc ngủ, cơ thể được thả lỏng hoàn toàn, khi ấy hormone sinh trưởng tiết ra để giúp trẻ đạt được mức tăng trưởng tốt nhất. Thậm chí, đã có nghiên cứu chỉ ra lượng hormone sinh trưởng được sinh ra trong khoảng thời gian này cao gấp 5 – 7 lần so với thời gian ban ngày.

Chiều cao của một đứa trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó: 70% nhờ gen của bố mẹ, 30% do các yếu tố bên ngoài tác động đến. Trong số 30% yếu tố tác động từ bên ngoài phải kể đến chất lượng giấc ngủ của con trẻ. Vì thế, bố mẹ không nên bỏ lỡ thời điểm vàng để cho con đi ngủ sớm.

Nếu trẻ ngủ ít hơn 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, theo ông David Goff, Giám đốc Hiệp hội Tim, Phổi và Máu (Mỹ), thì khả năng miễn dịch của trẻ có thể bị suy giảm, hay bị cảm cúm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, để trẻ chịu đi ngủ sớm, bố mẹ cũng cần phải có những biện pháp riêng để thuyết phục con, không nên tạo áp lực. Đặc biệt, đừng để trẻ ăn vặt, chơi game, xem video… trước khi đi ngủ vì những hành động này kích thích xấu  tới vỏ não, làm gián đoạn cơn buồn ngủ của trẻ.

Nguồn bài viết: Theo Lân Lan – cafebiz