Xin chào, tôi là Thành, chủ đề hôm nay tôi muốn chia sẻ là về một cuốn sách tôi vừa mới đọc xong.
Trong lĩnh vực công nghệ mà chúng ta đang theo đuổi, sự phát triển và thay đổi là rất nhanh. Nhanh tới mức mà thậm chí có những ngôn ngữ hay công nghệ mới xuất hiện, chưa được nhiều người chú ý tới đã phải lặng lẽ ra đi rồi.
Tuy nhiên, dù trào lưu phát triển nhanh chóng tới đâu thì những giá trị cốt lõi vẫn luôn ở đó và chứng minh tầm quan trọng không thể thay thế. Hay như chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng: khi có tư duy thì việc học một ngôn ngữ mới không phải là vấn đề khó.
Đó là tư duy về cách tiếp cận một ngôn ngữ, nhưng nên nhớ rằng trong sự nghiệp của mỗi người, thì còn cần nhiều hơn thế! Đó là vấn đề muôn thủa của chúng ta: kỹ năng mềm.
Một LTV như chúng ta làm sao để có cái nhìn toàn cảnh hơn về con đường, sự nghiệp của mình, cũng như trên con đường đó làm sao để bồi đắp nên những kỹ năng quan trọng, giúp mình có thể tiến xa hơn nữa?
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tác giả Nguyễn Hiển đã chia sẻ và phân tích rất nhiều góc nhìn hay về con đường của LTV thông qua cuốn sách có tên là DevUP, qua đó, không chỉ LTV chúng ta mà cả những người bên cạnh chúng ta như các nhà quản lý, QA, Tester có thể thấu cảm hơn về công việc này.
Đúng vậy, thấu cảm có lẽ là một cảm giác phổ biến nhất của tôi khi đọc cuốn sách này.
Tác giả chia cuốn sách ra làm 5 chương gồm Hiểu những thế lưỡng nan, Thử nghiệm, Đánh giá, Học tập và Thực thi.
Mỗi chương đều có rất nhiều những hình ảnh của chính chúng ta, những tâm tư mà mỗi LVT thường có và dĩ nhiên cả những sai lầm mà không nên có 🙂
Đọc những thế lưỡng nan cho tôi cảm thấy đỡ hổ thẹn phần nào về việc thường đứng núi này trông núi nọ của mình. Bạn đã từng phân vân giữa làm cho một công ty lớn hay startup? Bạn đã từng băn khoăn giữa phát triển sự nghiệp theo hướng đi sâu hay đi rộng? Hay bạn đã từng nghĩ mình làm vì đam mê hay vì tiền? Và nhiều những thế lưỡng nan nữa mà không chỉ riêng bạn mà cả tôi hay đại đa số LTV chúng ta đều đã, đang và sẽ gặp phải.
Thú vị hơn nữa, dưới góc nhìn của tác giả, người mà không chỉ có rất nhiều năm kinh nghiệm cũng như trải qua những vị trí rất cao ở những tổ chức lớn, sẽ chia sẻ cả những thế lưỡng nan của tổ chức – điều mà có lẽ ít người trong số chúng ta nghĩ tới. Đúng không?
Hiểu được những thế lưỡng nan, chúng ta mới dễ thông cảm cho nhau, tổ chức sẽ thông cảm cho LVT và dĩ nhiên, mỗi LTV cũng cần cảm thông cho tổ chức, nơi chúng ta gắn bó mỗi ngày 🙂
Càng đi sâu vào mỗi chương cuốn sách, tác giả lại càng đưa ra những luận điểm sâu sắc hơn, lôi ra những thứ gai góc nhất, sâu trong tâm tư mỗi LTV nhất để mà cùng nhìn nhận và cải thiện hơn.
Trong khi chương thử nghiệm đưa ra cái nhìn về những công cụ, quy trình cũng như môi trường dev thì chương đánh giá lại tập trung vào kỹ năng giải quyết công việc theo hướng rộng hơn thay vì chỉ đơn thuần là code.
Chương học tập có lẽ là chương mà tôi thấy tâm đắc nhất. Nó như một lần nữa xoáy sâu thêm vào tâm can tôi về những điều mà tôi luôn thấy nuối tiếc trong quá khứ mình. Nó nhắc nhở tôi thêm một lần nữa, để tránh đi vào vết xe đổ của mình. Đó là sao phải “tỏ ra khác biệt”?, kiểu gì cũng có bug, yêu cầu sẵn có hay quy trình rõ ràng?
Chương cuối tập trung nhiều hơn nữa về những kỹ năng mềm cơ bản mà mỗi LTV phải có. Nó bao quát từ cách giải quyết vấn đề, quản lý công việc, giao tiếp và cộng tác với những đồng nghiệp, cho tới cả các mối quan hệ riêng của mỗi người như việc học trên trường, tham gia cộng đồng, kết nối bản thân với xã hội và quan trọng hơn nữa là gia đình!
Cuối cùng, thay cho lời kết, xin được trích dẫn một đoạn trong phần gia đình của cuốn sách thú vị này.
“
…
Tôi không bất ngờ khi nhiều cộng sự nói với tôi rằng ‘từ khi có con, em biết là mình sống để làm gì’, song tôi chỉ thực sự thấu hiểu khi con mình ra đời.
Có một chuyện vui tôi hay kể là, trong công ty của tôi, thời điểm đầu gồm hầu hết các LTV trẻ tuổi, họ ‘đòi’ được đến văn phòng và làm việc ngày cuối tuần vì với họ, thời điểm đó, công ty là gia đình và làm việc khiến họ thấy có ích; một thời gian sau, khi các LTV này lập gia đình, họ ‘đòi’ được nghỉ ngày cuối tuần đề dành thời gian cho gia đình. Nhưng khi cần thiết, chính họ là người làm việc tới đêm khuya hay quên ngày nghỉ vì họ hiểu rằng công việc và thu nhập chính là công cụ để họ giúp đỡ gia đình. Tôi rất trân trọng điều này và mong muốn các nhà quản lý hiểu rằng: hỗ trợ tốt cho LTV để họ yên tâm về gia đình chính là bước đầu để LTV chuyên tâm vào công việc. Ở chiều ngược lại, tôi cũng mong các LTV trân trọng những tổ chức giúp họ trong những vấn đề gia đình; đôi khi chỉ đơn giản như sự lắng nghe hay giúp LTV sắp xếp công việc cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và gia đình,…
…
”
– Bài viết chỉ là góc nhìn và giới thiệu về cuốn sách với mục đích chia sẻ, không nhằm quảng bá sản phẩm.
– Nhằm tôn trọng quyền sở hữu nội dung của tác giả, tôi hạn chế đưa ra nội dung mà chỉ đưa ra những tiêu đề chính và cảm thụ của riêng mình.
– Tôi thấy đây là một cuốn sách hay dành cho LTV và cả những người xung quanh, nếu bạn thấy hứng thú, hãy mua riêng cho mình một cuốn để ủng hộ tác giả (mặc dù bạn có thể mượn sách từ bạn Dương Anh Tùng).
Xin cảm ơn.
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE