Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Sống chậm để chữa lành

Trước áp lực trong cuộc sống, những căng thẳng dần tích tụ và trở thành bóng ma trong tâm trí, nhất là ở người trẻ. Nhiều người chọn cách phớt lờ, lảng tránh những tổn thương tâm lý của mình. Cũng có nhiều người cố chữa lành bằng cách tự lắng nghe, tự đối diện, để tìm lại sự tĩnh lặng, an yên bên trong tâm hồn.

Xác định mục tiêu của chữa lành

Cuộc sống càng hiện đại, con người hướng ra bên ngoài, chạy đua, cầu mong những điều chưa được thỏa mãn. Tìm kiếm danh vọng, quyền lực không sai, nhưng trên hành trình đó, đôi khi chúng ta đẩy nó đi quá xa. Khi nhìn lên, so sánh với những người khác, thì tâm thức dễ bị ảnh hưởng. Cái tâm bình an bị tàn phá và trở bệnh, phát ra những tổn thương, lo âu và trầm cảm. Vì vậy, nhu cầu chữa lành càng nhiều hơn, mọi người càng muốn chấm dứt những tổn thương đó nhanh hơn. Nhưng việc cố gắng cắt bỏ những nỗi đau chỉ khiến ta rơi vào vòng luẩn quẩn. Thay vào đó, tại sao không thử dẫn dắt tổn thương đi chơi?

Đó là đúc kết của diễn giả Phan Đăng sau nhiều năm tự chữa lành cho bản thân và những người xung quanh. Anh từng tìm đến mọi phương thuốc từ Tây y tới Đông y để chữa lành nỗi đau bên trong, sau đó còn thực hiện công tác tư vấn tâm lý, chữa lành tâm hồn cho những người tìm đến anh.

Với những kiến thức và trải nghiệm đa dạng, diễn giả Phan Đăng cho rằng trước tiên, phải xác định đúng mục tiêu khi chữa lành. “Từ bản thân và những người khác, tôi hiểu rằng đầu tiên phải xác định đúng mục tiêu, không thì mọi nỗ lực chữa lành sẽ sụp đổ. Tôi phải mất 5 năm tự chữa lành cho mình và cho người khác để nhận ra điều này. Ai bị đau khổ, tổn thương cũng chỉ muốn thoát ly khỏi nó. Nhưng có thực sự cắt đi được đau khổ trong cuộc đời này không? E là chỉ có những người giác ngộ, những người trong lòng họ tuyệt đối không còn tham, sân, si mới làm được. Đáng nói là những người như vậy tồn tại rất ít.

Tôi từng hỏi một nhà tu hành, cũng là người thầy tôi vô cùng kính trọng, rằng sau nhiều năm tu tập, trong lòng thầy đã hết tổn thương chưa? Thầy nói rằng, tổn thương trước đây rất lớn, giờ nó đã bé đi, thầy đã bình tĩnh trước tổn thương đó, thậm chí có thể an lạc khi đối diện với nó, như vậy đã là thành công rồi, chứ không cắt hẳn đi được. Còn trong dòng đời chảy trôi xô bồ, biết bao thị phi, bon chen, cứ cho là con người cắt được tổn thương hôm nay, nhưng ngày mai dòng sông lại đổ vào đời một va chạm khác. Những vòng lặp không dứt đó khiến tôi nhận ra ta phải quay vào bên trong, soi toàn bộ con người của mình, từ từng hơi thở, đến cảm xúc, suy nghĩ, để thành thực với lòng mình”, diễn giả Phan Đăng chia sẻ.

Diễn giả Phan Đăng cũng gợi ý mọi người hãy tự xây dựng cho mình những “vùng năng lượng xanh”. Trong guồng quay của công việc, mọi người thường bận rộn chạy đua với những mục tiêu riêng, ít người còn thời gian ngồi lại để lắng nghe bản thân. Bên trong ai cũng có một khu vườn tinh thần cần chăm sóc, nhưng ít người có thể tưới tắm cho vùng đất này thường xuyên. Nếu như có ý thức quay vào trong đủ lành mạnh thì khi tổn thương đến, ta cũng đủ năng lượng để không bị nó quật ngã.

Đến khi con người có nội lực cao hơn, mãnh liệt hơn từ bên trong, thì thậm chí có thể đối diện với nỗi đau, nở nụ cười và dắt nó đi chơi trong tâm trí của chính mình. Khi đã có thể lắng nghe, đối thoại với nỗi đau thay vì trốn tránh, cách nhìn đó khiến ta có được mục tiêu đúng, tìm ra phương pháp chữa lành đúng. Khi vùng năng lượng xanh bên trong đủ đầy, nó sẽ xâm lấn những tổn thương, để nỗi đau dần nhỏ lại mà ta không hay biết.

Những giai đoạn để chữa lành

Để chăm sóc khu vườn tươi đẹp cho bản thân không hề khó. Trong lòng ai cũng có những hạt giống hạnh phúc, tích cực và cũng có những hạt mầm của đố kỵ, tham lam. Điều quan trọng là cách ta nuôi dưỡng và chăm sóc những hạt giống vui vẻ kia như thế nào, đồng thời chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực, cô đơn. Đó không phải là một quá trình phức tạp mà có thể xuất phát ngay từ những hành động nhỏ trong đời sống hàng ngày. Diễn giả Phan Đăng giới thiệu 4 giai đoạn đơn giản để chuyển hóa những vùng năng lượng dễ tạo ra bức xúc, nóng giận ở bên trong.

Đầu tiên, bạn hãy dồn lực vào chăm sóc hạt giống tươi tắn và hạnh phúc ở trong mình. Khi hạt giống vui vẻ không ngừng được chăm sóc, gọi lên mỗi ngày, nó sẽ dần xâm lấn hạt giống u tối. Bạn không cần đi ngay vào vùng tối, hãy chăm sóc và phát triển vùng sáng trước đã. Mỗi sáng thức dậy, bạn có thể lấy sổ tay, hoặc nhật ký và viết vào đó những câu yêu thương. Khi ta đặt bút viết những điều tốt đẹp, đó là lúc ta gọi lên những hạt giống yêu thương trong mình.

Nếu không viết, bạn có thể niệm một mình, tập nói lời yêu thương, đó là cách chăm sóc hạt giống lương thiện. Nếu bạn niệm hàng ngày, nó sẽ tạo ra một đường thần kinh trong não về điều mà bạn chú. Nếu nó là đường mòn của yêu thương, bao dung, tha thứ, thì hạt giống yêu thương được chăm sóc biết bao.

Với tư cách một diễn giả đã đi tới nhiều nơi, gặp nhiều người tu hành và tìm hiểu sâu về thiền niệm, Phan Đăng gợi ý chữa lành bằng cách tập thiền. Không phải là những bài thiền quá cứng nhắc, mà là cách để bày tỏ sự biết ơn. “Mỗi tuần, bạn hãy thử ngồi trong phòng mình, đếm xem có bao nhiêu đồ đạc đã giúp ích cho bạn trong tuần qua. Hãy gửi lời biết ơn, sự yêu thương cho đồ vật đó. Bạn yêu thương mọi đồ vật trong phòng, bạn yêu thương cả những người đến với bạn trong tuần vừa qua. Nếu bạn tập tành nghiêm túc, tôi nghĩ hạt giống tử tế trong bạn sẽ được chăm sóc. Như vậy các hạt giống u tối sẽ bị xâm lấn dần”.

Giai đoạn thứ 2 trong hành trình chăm sóc khu vườn tâm trí, phải cung cấp năng lượng khi những hạt giống yêu thương trồi lên. Những khoảnh khắc của vui vẻ, hạnh phúc sẽ đến rất tự nhiên, từ những điều nhỏ nhặt mà bạn không thể ngờ trước. Đó có thể là một email báo tin vui, hay bầu trời hoàng hôn lãng mạn. Khi đứng trước những rung động, cảm xúc đó, hãy chậm lại, sống với nó lâu hơn một chút. Hãy cảm nhận dòng chảy vui tươi, khoan khoái lâu hơn, cung cấp thêm năng lượng cho sự rung cảm đẹp đẽ của bạn. Sống trọn vẹn với những khoảnh khắc đó, gửi đi cảm giác biết ơn chân thành, đó là cách để cung cấp năng lượng cho những xúc cảm tuyệt vời. Cuộc sống đôi khi rất vội, nhưng ta phải biết chậm lại để tận hưởng, nhấm nháp những cảm xúc vui vẻ đó, như vậy hạt giống yêu thương mới được chăm sóc.

Sau khi chăm sóc cho những hạt giống tích cực, đây cũng là lúc bạn phải phòng vệ cho hạt giống u tối bên trong mình. Hạt giống của sự u tối, bức xúc, cáu giận sẽ dễ trồi lên nhất là khi ta tiếp xúc với nguồn năng lượng hơn thua, sân si như vậy. “Có những người mở miệng ra là phàn nàn, kêu ca, trách móc, nếu ta cứ gặp họ quá lâu, quá sâu, thì năng lượng đó có thể kích thích hạt giống u tối ở trong ta. Nhưng ngược lại, nếu ta đọc những thứ đẹp đẽ, gặp những người an lạc, không nói xấu, kêu ca, những hạt giống u tối trong ta sẽ được phòng vệ, không dễ bật lên. Ta phải chủ động trong việc kết giao, gần gũi với các loại năng lượng. Có những người ta bắt buộc phải gặp, thì hãy làm sao gặp cho vừa đủ, đừng chìm vào năng lượng tiêu cực của họ”, diễn giả Phan Đăng bày tỏ.

Không chỉ là những tiếp xúc ngoài đời thực, mà ngay cả trên không gian mạng, ta phải giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo, tiếp nhận những thông tin tích cực cho bản thân. Với những tài khoản tràn ngập phê phán, phô diễn cái tôi, tự tôn vinh cá nhân, đừng vội kết giao sâu quá, bởi năng lượng đó sẽ ngấm ngầm kích hạt giống u tối bên trong ta. Hãy chọn lọc bạn bè ở cả trên mạng lẫn đời sống thực để tạo ra những nguồn năng lượng tốt, một cơ chế phòng vệ cho hạt giống u tối.

Sau những cố gắng để chăm sóc và bảo vệ những hạt giống tích cực, đừng quên rằng những năng lượng u tối vẫn là một mặt song hành không thể thiếu trong đời sống. Dù có bao bọc cho năng lượng tốt đẹp đến đâu, có phòng vệ cho những hạt giống u tối tới đâu, không ai tránh được những lúc cảm xúc tiêu cực tìm đến đột ngột. Vậy khi có bức xúc, ta phải làm dịu đi, để nó bộc lộ theo cách nhẹ nhàng nhất. Đó cũng là giai đoạn cuối cùng trong việc chuyển hóa năng lượng u tối: Ta không được đồng nhất cơn giận dữ đó với bản thân mình.

Con người tạo ra những cảm xúc, nhưng những dòng cảm xúc đó không phải là chính con người ta. Khi có một dòng suy nghĩ tiêu cực chạy qua trong đầu, bạn phải phân tách mình khỏi nó, để quan sát nó lớn lên, dữ dội đến thế nào. Chỉ đứng nhìn những dòng cảm xúc giận dữ đó, thay vì đồng nhất ta với nó, thì tự nhiên bạn sẽ điều chỉnh được tâm mình, và nó tiêu tan lúc nào không hay.

“Sự bức xúc tàn phá bạn, làm não bạn rối bời, tim đập loạn xạ, nó mang theo nhiều năng lượng u tối với hình hài của một con quái vật. Nếu bạn cứ nghĩ về người đã mang cho bạn những cảm xúc này, thì chẳng khác nào cho quái vật càng ăn càng lớn, tiêu cực càng nhiều lên và phình to.

Việc của bạn là phải cắt đi nguồn cung cấp thức ăn đó, hãy quay vào và quan sát sự đau khổ, bức xúc của mình. Tự nhiên nó sẽ lặn dần, ngủ dần. Tôi thường không đợi nó ngủ hẳn thì mới làm những việc mình thích, nghe bản nhạc tôi yêu. Tôi chỉ cần tiêu cực vừa trồi lên thôi, tôi đã vừa quan sát nó và vừa nghe nhạc rồi”, diễn giả Phan Đăng đúc kết.

Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/song-cham-de-chua-lanh-1307159.ldo