Sự Khác Biệt Giữa QA và QC: Hai Yếu Tố Cốt Lõi Của Chất Lượng Phần Mềm
Dec 11, 2024
Chất lượng phần mềm không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ hai vai trò quan trọng: QA (Quality Assurance) và QC (Quality Control). Mặc dù thường xuyên bị nhầm lẫn, QA và QC thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và đóng góp vào quy trình phát triển phần mềm theo cách riêng. Hãy cùng khám phá sự khác biệt và tầm quan trọng của hai vai trò này.
QA Là Gì? Vai Trò “Kiến Trúc Sư” Của Quy Trình Chất Lượng
QA (Quality Assurance) là những chuyên gia đảm bảo rằng mọi quy trình phát triển phần mềm đều được thiết kế và thực thi một cách tối ưu nhằm đạt được chất lượng cao nhất. Thay vì kiểm tra trực tiếp sản phẩm, QA tập trung vào việc xây dựng và quản lý quy trình để đảm bảo tất cả các bộ phận hoạt động một cách đồng bộ.
Nhiệm vụ của QA
Đề xuất, đưa ra quy trình phát triển (development process) sản phẩm phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng dự án. Các quy trình này có thể được phát triển dựa trên V-model hay Agile (đa số là Scrum hoặc Lean Development) hay thông qua việc áp dụng những quy trình quản lý sẵn có như ISO hay CMMI.
Đưa ra những tài liệu, biểu mẫu, hướng dẫn để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cho tất cả các bộ phận trong nhóm phát triển sản phẩm.
Kiểm tra, audit việc thực thi quy trình của các bộ phận trong nhóm làm sản phẩm có đúng quy trình QA đã đề ra không.
Nhắc nhở đội ngũ phát triển sản phẩm việc tuân thủ theo quy trình làm việc đã đưa ra.
Điều chỉnh, thay đổi quy trình phù hợp với từng sản phẩm mà các team đang thực hiện.
Một số công ty sử dụng “QA” thay vì QC nên nhiều người nhầm lẫn QA với QC (Quality Control). Vì vậy, trên thị trường lao động xuất hiện một số vai trò như PQA (Process Quality Assurance – thực hiện công việc về quy trình) và SQA (Software Quality Assurance – thực hiện công việc kiểm thử).
Trong đó, SQA đóng vai trò như một QC thực thụ, đảm nhiệm việc kiểm thử sản phẩm đang phát triển. Còn PQA mới là người chịu trách nhiệm về việc đưa ra các quy trình làm việc trước khi bắt đầu một dự án.
Nhiều Công ty vừa và nhỏ, họ không chỉ định 1 vị trí PQA rõ ràng, mà QC Manager/Leader sẽ phụ trách việc đưa ra quy trình làm việc giữa các bên liên quan. Và một khi quy trình đó được duyệt bởi cấp quản lý, thì nó sẽ được duy trì và áp dụng cho các dự án.
Ví dụ: PQA sẽ sẽ quy định khâu kiểm thử sản phẩm ở công đoạn cuối cùng, kiểm thử sản phẩm theo phương pháp, tiêu chuẩn nào, sẽ dùng các tool nào để kiểm thử, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn cho một sản phẩm tốt và chưa tốt.
Đây là một vị trí rất quan trọng đối với các team làm sản phẩm. Do đó, thông thường, chỉ có những công ty Outsourcing lớn như KMS, Harvey Nash, FPT Software… mới tuyển vị trí PQA và chỉ có 2-3 đầu người cho toàn bộ các team làm sản phẩm. Còn lại, đa số các công ty phần mềm thường tuyển SQA (thường gọi là QC).
Đặc điểm về nghề PQA
Tư vấn về quy trình cho dự án để đảm bảo chất lượng toàn dự án.
Kiểm soát việc thực hiện quy trình của dự án.
Thu nhận và theo dõi các ý kiến phản hồi khách hàng.
Thực hiện kiểm duyệt lần cuối (Final inspection) đối với những sản phẩm bàn giao cho khách hàng để đảm bảo chất lượng đúng như cam kết.
Thực hiện việc đo đạc và phân tích số liệu để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Cải tiến quy trình.
Kỹ năng cần thiết cho QA là gì?
Hiểu sâu về kiến trúc hệ thống của phần mềm vì công việc của QA rộng hơn QC.
Khả năng tổ chức, tư duy logic và có hệ thống.
Kỹ năng phân tích, làm việc dựa trên số liệu tốt.
Kiến thức rộng về các lĩnh vực của phần mềm mà các team đang thực hiện.
Kỹ năng giao tiếp trong nội bộ team và các team khác để khai thác thông tin về sản phẩm, dự án và ứng dụng nó vào việc xây dựng hệ thống quy trình.
Hiểu rõ về các chứng chỉ CMMI, ISO… trong phần mềm để xây dựng các quy trình chuẩn cho các team.
QC Là Gì? “Người Bảo Vệ” Chất Lượng Sản Phẩm
QC (Quality Control) là những người trực tiếp kiểm tra sản phẩm phần mềm để đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay khách hàng. QC tập trung vào việc thực thi các quy trình kiểm thử được QA đề ra, nhằm phát hiện lỗi và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Nhiệm vụ của QC
Tìm hiểu hệ thống, phân tích tài liệu mô tả về hệ thống và thiết kế test case,và thực hiện việc test phần mềm trước khi giao cho khách hàng.
Lên kế hoạch kiểm thử (thường do QC Leader thực hiện)
Viết Script cho automation test (nếu có áp dụng kiểm thử tự động).
Sử dụng các test tool để tạo và thực hiện các test case/script chi tiết.
Phối hợp với nhóm lập trình trong việc fix bug và báo cáo chi tiết cho Project Manager hoặc các bên liên quan khác tuỳ dự án.
Khác với PQA, nhu cầu tuyển dụng QC hay SQA rất nhiều trong mọi công ty phần mềm vì kiểm thử là khâu rất quan trọng trong quy trình phát triển sản phẩm. QC và PQA sẽ tương tác với nhau như sau:
PQA đưa ra quy trình làm việc cho team phát triển sản phẩm, trong đó có khâu Testing, quy định QC kiểm thử sản phẩm ở giai đoạn nào, sử dụng công cụ gì, tiêu chuẩn nào là sản phẩm đạt yêu cầu.
QC thực thi quy trình mà PQA đề ra.
PQA giám sát, theo dõi và kiểm tra QC có thực hiện đúng quy trình không, sau đó chỉnh sửa cho phù hợp với tiến độ, hiện trạng dự án.
QC báo cáo kết quả test cho QC Lead/QC Manager, PQA báo cáo kết quả thực thi quy trình phát triển sản phẩm cho Project Manager.
Tuy nhiên, hiện nay hai khái niệm công việc này vẫn còn bị nhầm lẫn rất nhiều. Có những mẩu tuyển dụng QA Engineer nhưng thực chất lại làm hầu hết công việc của QC như sau:
Nghiên cứu yêu cầu và thiết kế của dự án.
Thiết kế test case, viết kịch bản test.
Thực thi manual test hoặc automated test.
Phối hợp với các bộ phận liên quan để đảm bảo chất lượng dự án/sản phẩm.
Quản lý, phân tích, theo dõi và báo cáo kết quả test.
Kỹ năng cần thiết cho QC là gì?
Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề.
Khả năng sử dụng các công cụ kiểm thử và viết script automation.
Tư duy chi tiết và khả năng làm việc độc lập.
Kỹ năng giao tiếp để phối hợp hiệu quả với đội phát triển.
QC như một “người bảo vệ” cuối cùng, đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất trước khi phát hành.
QA và QC: Hai Vai Trò Bổ Trợ Lẫn Nhau
Dù có vai trò và trách nhiệm riêng biệt, QA và QC luôn cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm:
QA định nghĩa và thiết lập quy trình; QC thực thi và giám sát việc tuân thủ quy trình.
QA tập trung vào quy trình; QC tập trung vào sản phẩm.
QA hướng dẫn và đào tạo; QC kiểm tra và đảm bảo chất lượng.
QA và QC là hai mặt của một đồng xu. Sự kết hợp hiệu quả giữa hai vai trò này chính là yếu tố quyết định thành công của bất kỳ dự án phần mềm nào. Khi hiểu rõ sự khác biệt và tầm quan trọng của QA và QC, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng lòng tin từ khách hàng.
You need to login in order to like this post: click here