Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Tester trái ngành: Áp lực những tháng đầu (P1)

🍀 Không phải ai cũng gặp may mắn khi ra trường làm đúng chuyên ngành mình đã học. Và cũng không phải ai cũng thấy hạnh phúc khi làm việc đúng chuyên ngành học của mình. Nhiều bạn bè của mình, và bản thân mình khi chọn ngành học chỉ đơn thuần là nghe theo lời khuyên từ những người đi trước và phần lớn là tác động của gia đình. Chính vì vậy, rất nhiều người phải trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi chọn được công việc ưng ý và thấy yêu thích công việc của mình. Bản thân mình cũng là một tester trái ngành. Mới năm đầu tiên mà đã nhảy công ty rồi :v Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn những trải nghiệm thú vị và đầy chông gai, và những áp lực năm đầu tiên đi làm của bản thân mình.

Cái duyên với nghề tester: Quay xe 180 độ

Mình xuất thân là một cô sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ đã có một cú quay xe 180 độ quyết định làm một công việc hoàn toàn mới, không một tí liên quan đến chuyên ngành đã học. Vào năm cuối, mình tham gia thực tập (intern) ở vị trí Data Analyst (phân tích dữ liệu – viết tắt là DA) do bạn mình giới thiệu vào công ty của bạn ấy đang làm. Lúc này mình vẫn còn chưa định hướng được công việc của mình, vả lại lúc đó cũng cần giấy chứng nhận thực tập để ra trường nên mình nghĩ “intern việc gì cũng làm hết.” Xem thêm công việc phân tích dữ liệu ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Data_analysis

Trong thời gian này vừa thực tập vừa lên mạng tìm hiểu về công việc DA, nhưng mà càng tìm thì mình nhận ra công việc DA không đơn gian, nó đòi hỏi bạn phải giỏi kỹ năng phân tích, hiểu lĩnh vực đang làm việc (ví dụ ngân hàng, hay quy trình để một công ty tiếp thị và bán hàng) và nhiều kiến thức chuyên ngành khác. Một lần tình cờ trong buổi ăn trưa nghe mấy anh chị trong công ty nói về kiểm thử phần mềm thì bắt đầu tìm kiếm thông tin về công việc này.

Sau khi kết thúc kỳ thực tập đó, mình đã dành nhiều thời gian “ngâm cứu” kỹ hơn về kiểm thử phần mềm trên mạng và vô tình “lọt” vào nhóm facebook TESTING VN nên cũng học được nhiều chia sẻ từ những anh chị đi trước, cũng đọc qua nhiều khó khăn của ngành tester, nhất là đối với các bạn tester trái ngành, nhưng mình lại thấy thú vị. Sau khoảng một tháng tìm hiểu thì cũng ráng nộp CV vào các vị trí thực tập (intern) tester với mong muốn để được đào tạo bài bản. Mình thuộc nhóm may mắn nhất quả đất, mới phỏng vấn công ty đầu tiên (một công ty Việt Nam) là đã được nhận vào làm với vị trí intern có trợ cấp (dưới 3 triệu đồng). Nếu được quay lại thời điểm này, mình sẽ tham gia một khoá học nào đó trước khi nộp hồ sơ tìm việc thì trong quá trình làm việc sẽ đỡ khó khăn hơn.

Bến đỗ đầu tiên: Trái ngành không người dẫn dắt

Lúc phỏng vấn thì anh PM và Team Lead (quản lý cả nhóm gồm developer và tester) phỏng vấn. Lần đầu phỏng vấn tester nên cũng không biết là phải hỏi “Test Leader đâu?” hay “Khi vào làm thì ai sẽ hướng dẫn?” nên điều bất ngờ đầu tiên là nhóm hiện không có tester nào. “Sốc tập 1” vì mình cứ đinh ninh rằng là intern tester thì khi vào công ty sẽ có Tester Leader hoặc ít nhất là anh chị tester lâu năm sẽ hướng dẫn, giao việc và kiểm tra kết quả mình làm để “chỉ bảo” thêm.

Phần lớn developer trong nhóm cũng là intern như mình nên kinh nghiệm lập trình không nhiều, thêm vào đó hệ thống phần mềm này đã được phát triển trong gần 2 năm và không hề có tài liệu mô tả yêu cầu (hay gọi tắt là Spec hay SRS – System Requirement Specification), quy trình làm việc thì rất “linh động” (không có quy định gì cụ thể, ai muốn làm gì làm, và PM/Team Lead sai đâu thì đánh đó). Mình lúc đó như một khúc gỗ lạc trôi trên biển áh, không có một cái gì để bám víu. Sau này đi học, nghe anh Sơn nói “Những thứ các bạn đang học là “happy case” vì khi đi làm sẽ gặp nhiều tình huống khác nhau chứ không phải công ty nào cũng có quy trình đàng hoàng, tài liệu đầy đủ, đồng nghiệp tử tế, và khách hàng dễ thương!” thì mình lại nhớ ngay tức thì cái khoảng thời gian này.

Tuần đầu tiên được anh Leader giải thích tóm tắt các chức năng chính và mục đích của phần mềm dùng để làm gì, có những chức năng nào,… rồi giao cho mình nhiệm vụ là “nghịch” hệ thống để hiểu nó. Sau 1 tuần sẽ trình bày lại cho PM những hiểu biết của mình. Vì không có tester khác nên mình chủ yếu là tự lực cánh sinh, tự mò mẫm và ghi lại các thắc mắc để cuối ngày đi hỏi, và vì anh Leader ấy cũng rất bận nên không phải thắc mắc nào cũng được giải đáp rõ ràng. Nhưng cuối cùng, sau một tuần thì mình cũng vẽ được “chân dung” của các luồng nghiệp vụ và hệ thống lại các màn hình liên quan với nhau. Sau khi trình bày cho anh PM hiểu biết của mình về hệ thống, và anh PM giải thích lại những chỗ mình hiểu chưa đúng và giải đáp một số thắc mắc bữa trước còn lại nữa. Anh PM cho mình thêm một tuần nữa để chụp hình lại từng trang, ghi chú chức năng của nó, các logic cần chú ý, và ý nghĩa của các hạng mục trên màn hình đó (bao gồm nhiều loại khác nhau như text field, drop down, và nút bấm – button). Tuy mất thời gian, nhưng mình thấy cách làm này khá hiệu quả, nó giúp mình nắm vững nghiệp vụ của một hệ thống mà không có tài liệu mô tả.

Bên cạnh đó, khi anh Team Lead có những buổi “training” (hướng dẫn về bên trong cách hệ thống hoạt động) cho mấy bạn developer (lập trình viên) thì mình cũng “mặt dày” xin vào dự thính dù trái ngành không hiểu gì hết. Có nhiều khái niệm lạ hoặc nhiều tình huống không biết hỏi ai (nếu có tester leader mình nghĩ sẽ đi hỏi anh chị ấy đầu tiên) thì mình mang đi hỏi anh Sơn vì thấy ảnh là admin nhiệt tình trong nhóm TESTING VN dù lúc đó chưa đăng ký học khóa nào của ảnh. Sau hơn 1 tháng thì mình được lên làm chính thức, nhưng bản thân vẫn mông lung với nghề tester này nên đã quyết định dành tiền từ tháng lương chính thức đầu tiên đăng ký khóa Fresher Tester bên Testing VN. Mình đăng ký khoá này vì quyết tâm muốn “học lại từ đầu” cho chắc, dù trong quá trình tư vấn anh Sơn khuyên “tester dù trái ngành mà đang đi làm thì nên học luôn lớp ISTQB CTFL cho kiến thức nhiều hơn.”

Mình làm việc ở đây bất chấp thời gian, nhiều hôm 9h tối mới được về, và cũng nhiều ngày Thứ 7 phải đi làm dù công ty chỉ làm việc từ Thứ 2 đến Thứ 6 mình vẫn không ngại. Cái làm mình nản nhất ở đây là khi bị sót bug (người sử dụng báo về) thì PM (và cả nhóm) đổ lỗi cho tester. Điều này làm mình thấy bản thân kém cỏi và bất lực. Tại sao mình đã cố gắng hết mình như vậy mà không ai nhận ra? Đã nhiều lần trên đường đi, mình hay nghĩ đến ý định nhảy… việc, nhưng do thời gian mới đi làm chưa đến nửa năm mà nhảy thì chắc không ai dám nhận. Hơn nữa, bản thân lại trái ngành nên tự nhủ phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Sau 6 tháng làm việc (cũng áp dụng được khá nhiều kiến thức học được từ lớp học của anh Sơn) mình cũng nắm vững các chức năng trong hệ thống, vì thế công việc của mình trở nên dễ dàng hơn, cũng quen cách làm việc với cả nhóm rồi nên những tranh cãi hay đổ lỗi không còn nữa, và mình có thêm ít thời gian dành cho việc học bổ sung kiến thức chuyên môn kiểm thử phần mềm. Điều làm mình băn khoăn duy nhất bây giờ là, đây là một công ty sản xuất sản phẩm (do không tiện nói thẳng nên mình có thể ví dụ như công ty sản xuất đồ nội thất muốn phát triển phần mềm quản lý công ty từ khâu thu mua nguyên vật liệu, sản xuất, đến bán sản phẩm và quản lý khách hàng) nên nhóm mình chỉ tập trung phát triển duy nhất sản phẩm phần mềm này. Lúc này, mình lại bắt đầu thấy bất an và tự hỏi: liệu làm mãi ở đây thì có ổn không? Mình không thích “giậm chân tại chỗ” và bị động. Mình luôn nghĩ bản thân có khả năng và cũng vui khi được học thêm nhiều điều mới.

Nguồn: Testing