(CAND) Trong mắt nhiều người, tiếp viên hàng không là một nghề đáng mơ ước. Song đằng sau vẻ duyên dáng, lịch thiệp, nghề tiếp viên có nhiều mảng tối và cả những cạm bẫy mà không phải ai cũng hiểu được.
Những khổ sở
Đối với hầu hết tiếp viên hàng không, công việc là một niềm vui khi làm việc cùng “những con người tuyệt vời”, tiệc tùng… và tận dụng được tối đa cơ hội để chu du khắp thế giới. Song không phải ai cũng thấy dễ dàng khi “bữa tiệc nào rồi cũng tàn”.
Đối với một số người, đó là một vấn đề: Lối sống trên không ở độ cao chóng mặt có thể đi kèm với một khía cạnh khổ sở bao gồm: Sức khỏe tâm thần kém, rối loạn giấc ngủ và lạm dụng chất gây nghiện. Những yếu tố này đi với nhau khiến nhiều thành viên phi hành đoàn đôi khi dùng rượu, thuốc để chống lại chứng mất ngủ hay mối lo sợ, theo Adrianna – một tiếp viên hàng không của một hãng hàng không lớn của Mỹ với thâm niên 10 năm trong nghề – cho hay.
Hành khách không phải lúc nào cũng thấy mặt sau của nghề tiếp viên hàng không. Ảnh: Quartz. |
“Rất nhiều người trong chúng tôi đang phải chịu đựng nỗi lo lắng thực sự tồi tệ, bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp với nhiều người cả ngày. Trong khi chúng tôi không được phép thể hiện cảm xúc thực sự của mình. Tôi từng chửi thề trong giấc ngủ và hét lên vì không được phép thể hiện cảm xúc suốt cả ngày” – cô tâm sự.
Thỉnh thoảng những vấn đề này bị nêu lên trên truyền thông, gây chú ý, đặc biệt tình trạng lạm dụng rượu. Năm 2019, một tờ báo đưa tin về việc một tiếp viên say rượu trên chuyến bay của United Airlines từ Chicago đến South Bend, Indiana (Mỹ).
Cũng trong tháng đó, một nhân viên của Hãng Qantas mất việc sau khi bị phát hiện đã uống 1/4 chai rượu vodka trên hành trình giữa thành phố Johannesburg (Nam Phi) và Sydney (Australia). Một trường hợp đáng nhớ khác là vào năm 2010, Steven Slater – một tiếp viên hàng không của hãng JetBlue Airways – đã mở đường trượt khẩn cấp của máy bay và thoát ra khi đang cầm 2 lon bia. Nam tiếp viên đã phải vật lộn với chứng rối loạn lưỡng cực và lạm dụng chất gây nghiện tại thời điểm xảy ra vụ việc, người này nói với Quartz.
Những điều trên có vẻ bất thường, song nhìn vào gốc rễ vấn đề thì lại thấy không có gì kỳ dị. “Tôi đã mất nhiều bạn bè. Họ bị sa thải. Một người bạn mất việc vào năm ngoái đã chìm đắm vào rượu chè. Và anh không thể dừng lại. Rồi anh sẽ chết mất” – Adrianna cho biết.
Áp lực “chỉ có một”
Nếu thỉnh thoảng khi bay, cảm thấy mệt mỏi, hãy tưởng tượng sự mệt mỏi của công việc này là để kiếm sống. Phi hành đoàn phải đứng rất nhiều trên suốt hành trình bay, trong cabin đầy áp lực. Trong khi đó, nhiều hành khách có thể đang căng thẳng, lo lắng hay đơn giản là khó chịu. Song các thành viên phi hành đoàn vẫn luôn phải giữ nụ cười trên môi, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc.
Mặc dù đã dành nhiều giờ để nghỉ ngơi giữa lúc chuyển tiếp chặng bay hay ngồi chờ trên thềm đế máy bay, song tiếp viên chỉ được trả thù lao khi cánh cửa máy bay đóng. Trong khi đó, việc di chuyển liên tục từ múi giờ này sang múi giờ khác đã tác động lên cơ thể: Chứng jet lag bao gồm sự thay đổi tâm trạng, mệt mỏi hay bệnh đau dạ dày kinh niên.
Những tiếp viên hàng không có nhiều cơ hội chu du khắp thế giới. Ảnh: Glassdoor. |
Nhưng một khi đã bước chân vào nghề này, những tiếp viên hàng không khó có thể từ bỏ, nhất là khi lương cũng như giờ giấc làm việc được cải thiện cùng cơ hội thăng tiến. Những người bỏ nghề phải đối mặt với một con đường không mấy chắc chắn: Con đường đến với cơ hội nghề nghiệp khác có thể không trong điều kiện tốt nhất, đặc biệt đối với người rời khỏi ngành hàng không hoàn toàn.
Các thành viên phi hành đoàn luôn sát cánh cùng nhau vượt qua tất cả, thường xuyên uống với nhau. “Đây là một môi trường mà nhiều người thích uống rượu, trong đó có cả tôi” – một tiếp viên đang sắp cai nghiện rượu thành công cho hay. Sau các chuyến bay, nhiều cá nhân của phi hành đoàn, như đã biết, thường bắt đầu và kết thúc tại quán bar của một khách sạn có thể cách xa thị trấn.
Theo Slater – người từng làm việc cho các Hãng TWA và Delta trước khi chuyển sang JetBlue, có rất nhiều lý do để họ lựa chọn việc uống bia rượu. “Thực tế là bạn đang xa nhà, đang không nhận được hỗ trợ xã hội, bỏ lỡ kỳ nghỉ của mình, hay nhớ nhung những ngày nghỉ cuối tuần. Bạn sẽ rất, rất cô đơn. Vì vậy, bạn bị cuốn vào việc đó dù sẽ nảy sinh nhiều rắc rối” – Slater nói.
“Không rõ số lượng tiếp viên vi phạm quy tắc an toàn – uống rượu, lại còn uống vào giờ chót, sử dụng thuốc. Vấn đề là, chúng ta không phủ nhận điều đó” – Heather Healy, người quản lý Chương trình Rượu và Thuốc của Tiếp viên hàng không (FADAP) là một sáng kiến an toàn do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) tài trợ, cho biết.
Một số tiếp viên dùng thuốc có khả năng gây nghiện cao vốn phải được bác sĩ kê toa để trị những cơn lo lắng hay trầm cảm, bao gồm cả thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau nhóm opioid.
Hành trình đến với sự tỉnh táo
Các phi công, phi hành đoàn phải test ma túy, rượu ngẫu nhiên, thường là sau các vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng, hoặc nếu đồng nghiệp quan sát thấy có hành vi đáng ngờ. FAA quy định tiếp viên hàng không không được uống trong vòng 8 giờ trước khi bước vào nhiệm vụ và nồng độ cồn trong máu không được cao hơn 0,04 miligam/1 lít khí thở, hoặc vượt quá một nửa mức giới hạn pháp lý cho phép lái xe.
Nhưng nhiều hãng hàng không còn có quy tắc chặt chẽ hơn nhiều, bao gồm nồng độ cồn trong máu tối đa chỉ là 0,001 miligam/1 lít khí thở hoặc giờ giới nghiêm được phép uống là phải 12 tiếng trước khi bay. Về mặt pháp lý, các hãng hàng không không bắt buộc phải chấm dứt hành nghề đối với phi hành đoàn trong lần vi phạm đầu tiên mặc dù có nhiều hãng làm vậy. Vi phạm lần thứ hai sẽ luôn luôn lĩnh hậu quả là tiếp viên bị thu hồi vĩnh viễn chứng nhận của FAA.
Các hãng hàng không có các cách xử lý khác nhau. Trong một tuyên bố cung cấp cho Quartz thay cho trả lời phỏng vấn, Hãng JetBlue cho biết, họ có chính sách không khoan nhượng đối với các thành viên có kết quả test dương tính với rượu hay ma túy.
Nhưng những tiếp viên đó có thể đăng ký điều trị tự nguyện miễn phí. Điều đó cho phép các thành viên phi hành đoàn nhận được sự giúp đỡ mà họ cần, đồng thời bảo vệ được việc làm bằng cách được JetBlue cho phép nghỉ phép.
Trong khi đó, American Airlines (AA) cho phép các thành viên phi hành đoàn đã có kết quả test dương tính trải qua chương trình trị liệu nhiều tháng được FAA phê duyệt. Chương trình này bao gồm điều trị nội trú và họp với AA hàng ngày. Nếu họ vượt qua chương trình này, họ có thể được trở lại làm việc. Tiếp viên và gia đình của họ cũng có quyền truy cập vào chương trình hỗ trợ nhân viên bí mật, miễn phí này của hãng cũng như quyền truy cập vào những dịch vụ tư vấn, tư vấn pháp lý hoặc tài chính và các dịch vụ khác.
Cuộc sống trên không đôi khi cũng gây nghiện theo đúng nghĩa đen khiến một số tiếp viên hàng không không muốn rời bỏ ngành. Ảnh: Businessinsider. |
Trong giai đoạn đầu còn tỉnh táo, Adrianna đã tiếp cận Alcoholics Anonymous (một tổ chức quốc tế hỗ trợ lẫn nhau với mục đích chính là giúp đỡ người nghiện rượu “luôn tỉnh táo, và giúp đỡ những người nghiện rượu đạt được sự tỉnh táo”) để được giúp đỡ. Song cô thấy không phù hợp vì kế hoạch điều trị có vẻ cứng nhắc. Việc đi họp mỗi ngày là không thể, đặc biệt là vào những ngày phải bay, cô cho hay.
“Khi đang làm việc, bạn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bạn có thể ở Mỹ trong một lần quá cảnh, hay ở Cộng hòa Dominica. Thế thì làm sao bạn có thể họp hành?” – Adrianna nói.
Cô cân nhắc chuyện đề nghị hãng giúp mình từ bỏ việc nghiện rượu, nhưng lại lo lắng rằng có thể bị chuyển đến trung tâm phục hồi chức năng cùng với việc bị giảm lương, hoặc sẽ bị kiểm tra liên tục trong thời gian thử thách nhiều năm.
Song những áp lực duy nhất chẳng giống ai của nghề tiếp viên hàng không có thể khiến quá trình phục hồi phức tạp: Họ có nguy cơ chấn thương do nghề nghiệp cao như các vấn đề về lưng, căng thẳng, rối loạn do công việc có thể dẫn đến buồn ngủ quá mức hay mất ý thức trong vài giây.
Thông thường, các bệnh nhân trong giai đoạn đầu của quá trình cai nghiện được khuyến cáo nên tránh trở thành những người thường được gọi là HALT (đói, tức giận, cô đơn hay mệt mỏi). Bất cứ vấn đề nào trong số này cũng có thể làm tăng nguy cơ tái nghiện.
Đối với tiếp viên hàng không, những trạng thái đó là thực tế. Còn có các yếu tố phức tạp khác như: Tiếp viên hàng không là nữ, từ góc độ trị liệu, Healy cho rằng, điều đó có liên quan vì nhiều phụ nữ đến với nghề này có tiền sử chấn thương, thường liên quan đến tấn công tình dục.
Thích nghi với công việc khác không dễ dàng
Nếu một tiếp viên hàng không bị bắt gặp vi phạm các quy định liên quan đến ma túy hay rượu, thì FADAP có thể giúp đỡ, Healy cho biết. Đồng thời, nguy cơ tự tử cũng tăng vọt. FAA quy định tiếp viên hàng không bị chấm dứt hợp đồng ở hãng này vẫn có thể chuyển sang hãng khác làm việc, nhưng chỉ sau khi hoàn thành tốt chương trình phục hồi.
Và rồi, không phải ai cũng trở về bầu trời. Theo Healy, đối với một số tiếp viên hàng không, việc vẫn làm nghề có thể khiến họ tái nghiện. “Từ quan điểm nhìn xa về sức khỏe, việc ra khỏi ngành là tốt nhất” – Healy nói. Điều này đặc biệt đúng với các tiếp viên hàng không có vấn đề về chuyện phụ thuộc vào thuốc đi đôi với rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực, trong đó nhịp sinh học bị gián đoạn có thể làm giảm các cơn hưng cảm cũng như bị trầm cảm.
Sau khi nghỉ việc ở hãng Jetblue, Slater đã không trở lại làm việc trong lĩnh vực hàng không. Gần đây, anh đã hoàn thành cuốn hồi ký về cuộc đời mình “Wingwalking”, song cũng phải vật lộn để tìm công việc khác.
Trải nghiệm của Slater không phải là hiếm: Với các tiếp viên hàng không bị buộc phải bỏ nghề, không phải lúc nào cũng rõ ràng là họ sẽ đi làm tiếp ở đâu. Các cựu tiếp viên đăng đàn trực tuyến trên các diễn đàn thay đổi nghề nghiệp nói về những lựa chọn có vẻ hạn chế của họ. “Tôi quá tuổi để có thể tiếp tục đi học song cũng không muốn làm việc với mức 12 USD/giờ” – một cựu tiếp viên tên Tom cho hay sau 24 năm bay.
Dianne, có 23 năm làm nghề, cảm thấy chán nản và tuyệt vọng khi rời hãng hàng không. “Mạng lưới quan hệ xã hội, hệ thống hỗ trợ cảm xúc, tiền lương, lối sống sinh hoạt của bạn – về cơ bản, toàn bộ cuộc sống của bạn tập trung hết vào hãng hàng không. Bạn sẽ phải xây dựng lại toàn bộ những mối quan hệ mà bạn có bên ngoài hãng hàng không” – Dianne chia sẻ.
Ngay cả các thành viên phi hành đoàn trước đây đã chuyển nghiệp thành công, thì chuyện thích nghi cũng không dễ dàng. “Chuyện bay chắc chắn là một lối sống mà rất khó để người khác hiểu” – Katlyn, người lấy được bằng thạc sĩ điều dưỡng sau khi rời United Airlines, cho biết.
Những người còn có thể bay do có sức khỏe hay có những điều đặc biệt, thì đôi khi thử làm công việc khác trong hãng hàng không. American Airlines thường tìm cách sắp xếp một vị trí khác cho các thành viên phi hành đoàn khi việc bay không còn là mối quan tâm của họ, người phát ngôn của hãng – Derek Walls – cho Quartz hay. Tất cả phụ thuộc vào người đó cùng những gì mà họ quan tâm, ông này nói.
Gần đây, Adrianna bắt đầu trăn trở về việc hòa nhập cuộc sống trên mặt đất. Câu hỏi là: “Tôi sẽ đi đâu để có thể vẫn nhận được mức lương nhiều như thế cùng thời gian nghỉ ngơi tương đối? Nó gây nghiện theo nghĩa đó. Tôi không nhất thiết phải xa gia đình, không muốn thực hiện các chuyến bay qua đêm nữa, song tôi còn giá trị cho công việc nào? Tôi nghĩ rằng đi ngủ mỗi tối và thức dậy vào buổi sáng là một giấc mơ tuyệt vời” – Adrianna chia sẻ.
Tuy nhiên, cô cho rằng sẽ có những khó khăn khi phải từ bỏ những đặc quyền mà nghề tiếp viên hàng không mang lại.
Nguồn: https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Tiep-vien-hang-khong-Mang-toi-va-cam-bay-i559982/
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE