GameFi là thuật ngữ, chủ đề xuất hiện ngày một nhiều trong các hội nghị, diễn đàn kinh tế, những buổi công bố kết quả kinh doanh hay trong các studio phát triển game. Đến cả CEO của Electronics Arts (EA) , Andrew Wilson cũng nhận định những dấu mốc phát triển đột phá của tiền số “là một phần quan trọng trong tương lai phát triển ngành công nghiệp của chúng ta”.
Thế GameFi là gì, và nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới game thủ?
Xét tới quy mô ngành công nghiệp game, bạn đã đang chơi game hoặc quen biết ai đó có chơi điện tử. Nhìn chung, nếu coi mỗi phút là một cơ hội kiếm lời, thì thời gian bạn đắm mình trong thế giới ảo có thể được liệt kê vào “thời gian bị bỏ phí”. Tất cả những nỗ lực xây dựng đạo quân hùng hậu nhất, những vật phẩm cao cấp nhất, hoàn thiện những màn chơi khó nhất sẽ đều biến mất một khi bạn đăng xuất khỏi game.
Nhưng nếu chiều hướng sự việc khác đi đôi chút thì sao? Sẽ thế nào nếu bạn có thể lưu giữ số giá trị ảo này, rồi có thể bán, cho thuê hoặc trưng bày những thành tựu bạn đạt được trong game? Đó chính là tương lai GameFi hứa hẹn mang lại, cũng là lý do khiến các lãnh đạo tập đoàn đứng ngồi không yên, muốn nhanh chân tham gia thị trường mới.
Có thể liệt kê GameFi vào một thể loại game mới, nơi nền kinh tế số không dừng lại khi bạn tắt game. Cùng lúc đó, GameFi xóa nhòa ranh giới giữa tài nguyên ảo trong game và tài sản vật lý ngoài đời thực. Với hàng tỷ game thủ toàn cầu, đây sẽ là cơ hội tận dụng tài nguyên thời gian, đồng thời khẳng định quyền sở hữu với những tài sản ảo họ dày công kiếm được.
Khái niệm GameFi được coder huyền thoại Andre Cronje nhắc đến sau khi anh khai sinh ra khái niệm DeFi – Tài chính phi tập trung. Và cũng như DeFi, GameFi ứng dụng công nghệ blockchain, được thiết kế để dung hòa cái thú vị của hoạt động “chơi” với nỗ lực biến nền kinh tế ảo trong game thành một game tài chính thực thụ. Công nghệ sổ cái phân tán* không chỉ quan trọng trong việc chứng minh quyền sở hữu tài sản số, mà còn giúp định hình thị trường trao đổi hàng hóa cả trong và ngoài game (tức là cả “ảo” và “thật”).
*Distributed Ledger Technology, hay DLT, sẽ lưu trữ, chia sẻ và nhân bản dữ liệu số trên nhiều trang web, nhiều tổ chức hay nhiều quốc gia; trong DLT không tồn tại một cơ sở dữ liệu tập trung quản lý tất cả.
Với thể loại game mới, mỗi vật phẩm được đại diện bởi một token được lưu trên mạng blockchain. Bất cứ người chơi nào cũng đều có cơ hội sở hữu thanh gươm, quả táo hay miếng đất ảo hiện hữu trong game. Các game có thể thuộc thể loại khác nhau, mang lối chơi khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính của những game thủ vẫn sẽ là thu thập tài nguyên.
Nếu chơi giỏi, bạn có thể thu về nhiều đơn vị tiền tệ (token) trong game hơn hay nhiều tài sản ảo hơn (như vật phẩm, đất đai) – những thứ sẽ hiện hữu dưới dạng NFT. Game thủ có thể trao đổi chúng với những người chơi khác để kiếm lời, và lời lãi sẽ hiện hữu dưới dạng đơn vị tiền tệ ảo trong game, hoặc tiền thực khi trao đổi trực tiếp với các người chơi khác. Thậm chí, đây có thể là nguồn thu nhập bên lề của game thủ.
Mô hình play-to-earn – chơi-để-kiếm-lời không mới mà cũng không quá phức tạp, nhưng những khía cạnh khác của GameFi thì chưa có độ phủ rộng. Bằng ứng dụng công nghệ blockchain, vốn cho phép trao đổi token giữa người với người, các NFT trong game có thể được cài cắm vào game một cách linh hoạt. Thậm chí, vật thể trong game này có thể hiện hữu trong game khác, xây nên một thế giới ảo kết nối nhiều chiều.
Ngoài game, tài sản trong game đã được token-hóa còn phục vụ được các mục đích khác. Ví dụ, những người chơi nhặt được đồ hiếm trong game sẽ có thể chứng minh quyền sở hữu của mình thông qua NFT – có thể hiểu là một “hóa đơn” chứng minh món đồ rơi ra lúc nào và ai đã nhặt được nó.
Chúng ta nhiều lần chứng kiến những NFT được bán với giá trên trời, không có lý do gì để nghi ngờ NFT trong game không làm được. Các NFT có giá trị cao có thể trở thành các món hàng cho thuê , tặng cho những người chơi có kỹ năng cao hay thuộc về một tổ chức danh giá nào đó trong game, v.v…
Thời điểm biến NFT thành một món tài sản số kiếm được trong thế giới ảo của game đã đang chín muồi, nhưng vẫn chưa được ứng dụng một cách triệt để.
Từng bước “lên level” của mô hình game thủ trả tiền chơi game
Những cơ hội GameFi mang lại nảy nở theo từng bước phát triển của công nghệ, nhưng trước khi đào sâu hơn, ta có thể lật lại trang sử để thấy từng bước phát triển của lấy tiền chơi game, rồi trở thành chơi game lấy tiền.
Qua chúng ta thấy được quá trình chuyển giao quyền lực, từ nhà phát triển sang tay người chơi, diễn ra như thế nào.
Từ thuở hồng hoang của trò chơi điện tử, đa số mô hình yêu cầu người chơi trả phí để tham gia. Những cỗ máy điện tử xèng nhận vài xu lẻ để mở máy cho game thủ chơi trong một khoảng thời gian hữu hạn. Dần dà, khi game tìm được đường lên máy tính, game thủ phải trả phí mua game, hoặc đăng ký theo tháng để trải nghiệm nội dung trò chơi (là các game offline ngày nay và những game cho đăng ký định kỳ như World of WarCraft).
Cuối thập niên 90, game được quảng bá theo cách khác. Người chơi có thể tải miễn phí game, và sẽ móc hầu bao khi cảm thấy game đủ hay, đáng để bỏ tiền mua thêm vật phẩm. Lợi nhuận cho nhà phát triển sẽ tới từ việc quảng cáo trong game, hay những nội dung bán kèm.
Có thể lấy ví dụ: Riot Games phát triển tựa game miễn phí Liên Minh Huyền Thoại nhưng bán kèm trang phục (skin) cho nhân vật. Các vật phẩm này không giúp người chơi vượt trội hơn so với đối thủ, chỉ kích thích thị giác của người chơi và người xem, thế nhưng vẫn đủ hấp dẫn để lôi kéo hàng triệu game thủ tiêu tiền.
Trong thời đại mới, người chơi có thể tiếp cận game dễ dàng hơn trước. Họ có thể “nếm” thử game theo nhiều cách, và không ngần ngại ủng hộ những nhà phát triển họ yêu thích. Nếu không có cộng đồng tận tụy này, nhà phát triển game sẽ không thể thành công, và nếu không đáp ứng được cộng đồng, nhà phát triển đứng trước nguy cơ lụn bại.
Quyền lực trong tay người chơi ngày một lớn.
Yêu cầu đầu vào thấp mở lối cho các game phát triển theo mô hình chơi để kiếm lời. Bản thân P2E cũng không mới, khi hồi những năm 2000, game thủ đã có thể kiếm tiền thật từ những vật phẩm ảo. Cộng đồng chơi những game như Diablo II, Võ Lâm Truyền Kỳ tự lập ra “chợ đen” để trao đổi vật phẩm độc đáo hay những món tài nguyên quý hiếm. Game thủ “đầu tư” thời gian và kiếm lời từ những người chơi khác không nhiều thời gian rảnh rỗi.
Hiển nhiên, chợ đen không chịu ảnh hưởng từ thuế má, luật pháp hay những cơ quan hành pháp tương tự. Game thủ đã có thể xây dựng một nền kinh tế ảo lấp ló trong một góc của Internet, tuy nhiên chợ đen vẫn không thể miễn nhiễm trước hành động lừa đảo.
Thời đại mới mang tới mô hình P2E mới, không chỉ còn cái phức tạp của một thị trường chuyển động không ngừng. Nó còn mang tới quyền tự do cho game thủ trước các vật phẩm mình kiếm được. Bạn còn nhớ, và vẫn thấy những nhân vật ảo đeo trên người món đồ tỷ đồng bunnyhop quanh thế giới ảo chứ?
Đây là lúc người chơi nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ DLT và token lưu tại blockchain. Game thủ đã trở thành người sở hữu số tài sản ảo kiếm được và toàn quyền sử dụng chúng.
Câu hỏi quan trọng: GameFi có phải mô hình Ponzi – đa cấp?
Ở thời điểm hiện tại, GameFi vẫn còn đang trong trứng nước. Những game thủ quen với những sản phẩm phức tạp, nhiều tầng ý nghĩa, lối chơi đa dạng, đồ họa choáng ngợp có thể sẽ thất vọng trước những sản phẩm debut của GameFi.
Thế hệ game dựa trên công nghệ blockchain đầu tiên mang dáng hình của các tựa game thẻ bài, cho phép người chơi thu thập những thẻ hiếm để giao đấu với các người chơi khác. Sau mỗi màn giao tranh, game thủ lấy về tài nguyên để “tái đầu tư” vào các cơ chế khác trong game, như tăng giá trị nhân vật mình sở hữu và tiến hành trao đổi với người chơi khác. Nghĩ tới ví dụ điển hình, Axie Infinity là cái tên thường được nhắc tới đầu tiên.
Số người chơi Axie Infinity tăng mạnh trong năm 2021, và tiềm năng của nó lớn tới mức sinh ra được những cộng đồng chơi game để kiếm sống. Một số người kiếm đủ để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày, và đã coi Axie Infinity là công việc toàn thời gian.
Các yếu tố khích lệ người chơi của GameFi sẽ là giao kèo đôi bên cùng có lợi. Người chơi sở hữu tài sản trong game sẽ càng muốn tiếp tục đầu tư thời gian và công sức vào game, cùng với đó càng trung thành với tựa game mình gắn bó và vô hình trung, trở thành các “bậc thầy” và “quản gia” được kính nể trong thế giới game.
Ở mọi cấp độ, người chơi đều cảm thấy thời gian đầu tư không phí hoài với mỗi giờ trôi qua. Sau mỗi thanh khoản, nhà phát triển sẽ tích thêm vốn phát triển, tiếp tục tái đầu tư dưới hình thức nội dung, vật phẩm mới trong game.
Thế nhưng, những game áp dụng mô hình GameFi biến tướng thì lại chuyển hóa thành đa cấp, cũng giống với tất cả lĩnh vực có dính líu tới tài chính khác, mật ngọt từ món hời thu hút cả ong lẫn ruồi. Những sản phẩm game sở hữu lối chơi nghèo nàn trực tiếp kéo thấp giá trị GameFi, từ đây biến tướng thành những máy đánh bạc sở hữu cơ chế chơi rẻ tiền.
Khi nhà phát triển không có thể hiện mong muốn tái đầu tư, chỉ chăm chăm kết hợp cùng các KOLs “lùa gà”, lấy tiền người sau trả cho người trước và tiện thể lấy luôn một phần lớn số tiền đó làm của riêng, game thoái hóa thành ứng dụng cá cược với hứa hẹn làm giàu hão huyền. Người chơi trở thành người tham gia đánh bạc, không trực tiếp sở hữu một vật phẩm số nào, không tham gia vào nền kinh tế blockchain sinh ra bởi một GameFi đúng nghĩa.
Cơ hội nào cho GameFi, game ứng dụng blockchain?
Số người dùng ngày một tăng cho thấy cả sức hút lẫn sức sống của GameFi. Nhưng theo đó, các nhà phát triển cũng phải tìm cách kiếm lời khi chi phí duy trì server ngày một lớn. Phí giao dịch lớn, thời gian xử lý của blockchain vẫn khiêm tốn khiến việc phát triển game mới còn chậm chạp.
Những thử thách này sẽ không quá đáng ngại khi công nghiệp tiếp tục phát triển. Đã xuất hiện những dự án blockchain dành riêng cho NFT để phục vụ nhu cầu lớn, và khi quy mô game hấp dẫn hơn trước, số người hứng thú sẽ còn tăng, cơ hội cho cả nhà phát triển lẫn người chơi đều rộng cửa.
Cánh cửa ấy đã từng mở, nhưng sai sót trong quản lý đã khiến một nền kinh tế tiềm năng đỏ lửa, để rồi hóa tro tàn. Khi Diablo III ra mắt, game đi kèm một chợ ảo – Auction House cho phép game thủ buôn bán, trao đổi kiếm lời từ vật phẩm ảo quý hiếm.
Nó đã trải qua thời kỳ huy hoàng, chứng kiến game thủ tậu iPhone, xây dàn máy cày Diablo III từ vật phẩm “nhiều dòng”, rồi nuối tiếc đi vào ngõ cụt khi nhà phát triển không điều tiết được nền kinh tế trong game. Blizzard đã không có biện pháp ngăn người chơi đầu cơ vật phẩm và bán với giá cắt cổ, lợi dụng bug “đúp” vàng khiến đơn vị tiền ảo gần như vô giá trị.
Những “nhà giả kim” không bị luật pháp trói buộc đã khiến nền kinh tế trong game lạm phát tới mức không thể cứu vãn. Auction House của Diablo III lập tức trở thành “vết xe đổ” cảnh báo hậu bối, những nhà phát triển mong muốn gây dựng một nền kinh tế ảo cân đối trong game. Bài học mà những ông lớn trong ngành game, có thể kể tới Valve hay Bungie, đã nằm lòng là đây: doanh nghiệp làm game cũng cần lời cố vấn từ chuyên gia kinh tế.
Valve trực tiếp điều hành một chợ vật phẩm ảo khổng lồ trên nền tảng Steam của mình, chứng kiến những vật phẩm trị giá nhiều triệu USD được rao bán và trao tay. Nền kinh tế ảo Valve tạo ra hiện hữu trong cả tựa game miễn phí Team Fortress 2 lẫn game trả phí một lần Counter-Strike: Global Offensive, hai nền kinh tế vẫn tồn tại cho tới giờ.
Bungie không trực tiếp nhúng tay vào thị trường này, tuy nhiên chợ đen cho game thủ trao đổi vật phẩm trong game Destiny 2 vẫn hiện hữu; lời khuyên từ nhà kinh tế cũng sẽ giúp Bungie duy trì được độ hiếm của vật phẩm trong game, tiếp tục giữ chân người chơi trong một thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.
GameFi phải cân bằng được yếu tố “fi” – yếu tố tài chính trong game để có thể trụ vững, đủ hấp dẫn lượng người chơi sẵn sàng công sức và tiền bạc. Nền kinh tế ảo sẽ luân chuyển khi sở hữu một vòng xoay vững chắc của lòng tin và nguồn vốn.
Nguồn: Genk.vn
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE