Khi đọc tiêu đề bài viết này, có thể bạn nghĩ rằng đây là một kết luận mang tính chất chụp mũ hoặc vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, nếu là một người có trong mình góc nhìn trung dung và kiến thức tâm lý, bạn sẽ phần nào hiểu được thực trạng vì sao giới trẻ Việt ngày nay, có nhiều bạn trẻ thực sự rất yếu đuối. Yếu đuối ở đây là yếu đuối về tinh thần, về ý chí, về nghị lực, về sức mạnh bên trong. Bài viết này sẽ đưa ra góc nhìn tâm lý lý giải cho điều này. Giới trẻ Việt ngày nay nói chung, và đặc biệt là thế hệ sinh sau 2000, tức có nhiều em tuổi TEEN bây giờ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tên “Chỉ số vượt khó”. Nghịch lý nằm ở chỗ, vấn đề này không hoàn toàn nằm ở lỗi thuộc về các em, mà một phần còn thuộc về xã hội và đặc biệt chính từ những người trưởng thành chúng ta.
CÁCH MẠNG 4.0 – KHI MÁY MÓC THAY THẾ CON NGƯỜI
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo hệ quả là hàng loạt máy móc và robot sẽ thay thế con người. Chẳng hạn như hàng loạt dây chuyền sản xuất được đưa vào, hàng loạt công nghệ như trí tuệ nhân tạo được triển khai sẽ báo động một tương lai không xa, hàng triệu người sẽ mất việc. Có lẽ mới đây nhất chính là việc Grab mua hoàn toàn Uber. Cách đây 2 năm, chúng ta còn hoài nghi về một hãng xe lạ ở đâu xuất hiện, nhưng giờ đây “đoàn quân áo xanh” đã thay thế việc làm của trăm ngàn lái xe truyền thống. Không chỉ thế, robot trong tương lai sẽ thay thế việc làm của rất rất nhiều người lao động không chỉ trong những lĩnh vực đơn giản mà cả những lĩnh vực có chuyên môn cao như đầu bếp, bác sĩ, luật sư, kế toán. Người ta dự đoán trong tương lai, gần 50% công việc sẽ bị thay thế do tự động hóa và người máy. Ở một số lĩnh vực, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Chính vì thế, trong tương lai khoảng cách giàu – nghèo sẽ càng gia tăng. Nhóm những người rất giỏi sẽ rất giàu và ngược lại, nhóm những người trung bình sẽ rất nghèo. Những người giỏi nhất, có đủ tố chất và kĩ năng nhất sẽ làm chủ máy móc, robot – và ngược lại, phần lớn nhóm người còn lại sẽ bị máy móc thay thế. Như vậy, để có thể thành công trong tương lai, bắt buộc nhóm các bạn trẻ bây giờ phải hình thành nhóm kĩ năng, tố chất mà máy móc không thể làm được: chẳng hạn như thông minh cảm xúc, kĩ năng thương lượng, thuyết phục, tinh thần phục vụ, tinh thần chăm sóc, quan tâm mọi người,… và đồng thời, bắt buộc phải có khả năng đối mặt với cạnh tranh và áp lực cực kì lớn, khi mà chưa bao giờ tỉ lệ đào thải trong công việc lại cao như vậy.
KHI GIỚI TRẺ BỎ CUỘC QUÁ DỄ DÀNG
Như thế, để cạnh tranh trong tương lai, buộc thế hệ trẻ bây giờ phải có khả năng đương đầu với áp lực, khó khăn, sóng gió, nghịch cảnh cực kì tốt. Nhưng điều gì làm cho thế hệ trẻ giờ đây yếu đuối hơn trước rất nhiều? Lý do thứ nhất là do yếu tố xã hội. Đây là một yếu tố khách quan. Thế hệ ngày xưa (7x, 8x và đầu 9x) được sinh ra trong một hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn, vì thế cuộc sống của họ khổ hơn. Chính bởi vì khổ hơn nên khả năng chịu khổ của họ tốt hơn. Chẳng hạn như ngày xưa, với nhiều người chỉ ao ước được “ăn no, mặc ấm”; khi kinh tế tốt hơn, phát triển hơn thì người ta chuyển sang thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Bởi vì sau này, kinh tế tốt hơn, điều kiện xã hội tốt hơn cho nên thế hệ sau sướng hơn. Bởi vì sướng hơn, nên khả năng chịu khổ kém hơn. Lấy một ví dụ rất đơn giản, chẳng hạn như ngày xưa, một đứa trẻ lớn lên có thể chỉ được gắn liền với một vài trò chơi dân gian hoặc truyền thống, về tâm lý ai cũng sẽ chán nhưng bởi vì không còn lựa chọn nào khác, không có đồ chơi nào khác, dẫn đến việc đứa bé ấy buộc phải chơi đi chơi lại một trò chơi. Ngược lại ngày nay, thật không khó bắt gặp một đứa bé với đủ thứ đồ chơi và đủ thứ công nghệ bên cạnh. Nhiều khi, cha mẹ muốn thuyết phục con một điều gì đó là phải đưa ra hàng loạt các thỏa thuận, các điều kiện thì con mới làm. Chính vì thế mà hệ quả là giới trẻ ngày nay, họ không có một tố chất đó là khả năng “chịu đựng sự nhàm chán”, làm gì cũng dễ chán, dễ nản. Trong khi, muốn thành công thì không có ai là không qua khổ luyện. Lý Tiểu Long muốn trở thành huyền thoại, bắt buộc phải có khả năng chịu đựng sự nhàm chán khi chỉ tập đi tập lại một cú đấm. Đó là lý do vì sao có câu nói “Tôi không sợ những người có thể đấm được 10.000 cú đấm khác nhau trong một lượt, nhưng tôi sợ một người có thể đấm 1 cú đấm nhưng lặp đi lặp lại 10.000 lần”. Khi không có khả năng chấp nhận những giây phút nhàm chán của công việc, những lúc khó khăn, áp lực, sóng gió, thử thách… thì hệ quả là tỉ lệ giới trẻ nhảy việc cao hơn bao giờ hết. Tỉ lệ người trẻ bỏ cuộc một cách dễ dàng trở nên quá cao. Đó là lý do mà vì sao chúng ta thấy những ví dụ hàng ngày như vì áp lực với cha mẹ mà nữ sinh nhảy lầu tự tử hay tự tử vì chia tay mối tình, tự tử chỉ vì thi trượt,… toàn những lý do vô cùng “lãng xẹt”.
KHI CHA MẸ YÊU THƯƠNG CON SAI CÁCH
Lý do thứ hai, đây là một phần xuất phát từ việc cha mẹ quá bao bọc con. Bởi vì tâm lý muốn con hạnh phúc, muốn những thứ tốt đẹp nhất cho con, cho nên nhiều khi cha mẹ yêu thương con sai cách. Có những bậc phụ huynh, yêu thương con bằng cách lo cho con đầy đủ vật chất. Khi giới trẻ quá sung sướng về vật chất, thì khả năng tự lập sẽ kém hơn. Bên cạnh đó, có những bậc phụ huynh yêu thương con bằng cách luôn bảo vệ con, bất chấp con đúng hay sai, yêu thương con bằng cách đứng ra nhận lỗi thay con. Chẳng hạn, khi một đứa trẻ nhỏ vấp ngã, không khó để thấy hình ảnh ông bà nói rằng “đánh chừa cái bàn, đánh chừa cái ghế”, trong khi nếu đứa trẻ ngã, thì lỗi là do nó đi đứng không cẩn thận. Vô tình, về mặt tiềm thức phụ huynh đang dạy con thói quen đổ lỗi. Như thế, khi lớn lên, nếu khó khăn, nếu có thử thách, nếu môi trường làm việc nhiều áp lực, nó sẽ đổ lỗi cho sếp, đổ lỗi cho đồng nghiệp, đổ lỗi cho nền kinh tế. Và nếu như một người đổ lỗi quá nhiều thì người đó sẽ không bao giờ có thể thành công được. Các nhà nghiên cứu về tâm lý học đường chỉ ra rằng, có một sai lầm tương đối nguy hiểm nơi trường học, đó là cách mà thầy cô đánh giá một học sinh. Những em nào hiền lành, ngoan ngoãn, lễ phép sẽ được đánh giá cao hơn. Trong khi những em nghịch ngợm, đánh lộn, đánh lạo thì bị coi là cá biệt. Những người làm giáo dục ở Mỹ chỉ ra một điều, khi mà tỷ lệ giáo viên nam ở trường tiểu học, trung học ngày càng ít đi thì các học sinh càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi cô giáo nhiều hơn thầy giáo, điều này vô tình làm cho các em ít được học hơn về sự nam tính tự nhiên. Tương tự như vậy, có rất nhiều đứa trẻ được đánh giá là “ngoan, hiền” ở trường học khi ra đời lại trở nên quá ngây ngô, dễ bị dụ dỗ, dễ yếu đuối trước sóng gió. Trong khi, những học sinh bị coi là “ngỗ nghịch, hiếu thắng” nếu được uốn nắn khéo léo thì khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những người mạnh mẽ. Lý do là bởi vì ngày còn nhỏ chúng “hiếu thắng” cho nên khi lớn lên, về bản năng chúng sẽ có trách nhiệm, chúng sẽ sẵn sàng bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ tổ chức.
THẢ BẦY SÓI VÀO ĐÀN HƯƠU – ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN CHO GIỚI TRẺ VẤP NGÃ NHIỀU HƠN
Triết lý thả bầy sói vào đàn hươu xuất phát từ một hiện tượng thực tế. Trong một khu rừng, khi một đàn hươu sinh sống, ban đầu bởi vì lo sợ sẽ bị sự tấn công của bầy sói, cho nên người ta mới cách ly các con sói sang một khu rừng khác. Nhưng rồi, người ta chợt nhận ra sức đề kháng của đàn hươu ấy kém hơn, tỉ lệ hươu bị bệnh cao hơn, khả năng chạy của đàn hươu kém hơn. Sau một thời gian nghiên cứu, họ nhận ra rằng nguyên nhân cho tất cả hiện tượng đó là bởi vì những con hươi đang được AN TOÀN quá mức. Thế rồi, họ quyết định làm một điều ngược lại, đó là thả bầy sói vào đàn hươu. Chuyện gì đã xảy ra? Đàn hươu từ cuộc sống an toàn nay đã chuyển sang sống trong sợ hãi. Chúng luôn bị rình rập bởi những con sói, và điều tất yếu, chúng không thể tránh khỏi những lần truy sát, rượt đuổi diễn ra hàng ngày. Điều gì đến cũng phải đến, những con yếu nhất đàn, những con kém nhất đàn bị đàn sói ăn thịt. Nhưng rồi, thời gian sau, sức đề kháng của đàn hươu tăng mạnh hơn nhiều so với ngày xưa. Lý do là bởi vì bây giờ chúng cảnh giác hơn, phải cố gắng nhiều hơn, phải hoạt động nhiều hơn, phải chạy nhiều hơn. Đồng thời, khi những con hươu yếu nhất, kém nhất đã bị chết, thì những con còn lại – những con hươu mạnh mẽ nhất, trong quá trình sinh sản đã tạo ra thế hệ tiếp theo có gen di truyền tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Tương tự như vậy, nếu chúng ta đang có những thành viên là người trẻ trong gia đình, trong tổ chức, hoặc con em còn đang trên ghế giảng đường, có lẽ đã đến lúc cần cho các bạn được tôi luyện và trải nghiệm nhiều hơn. Cho các bạn va vấp cuộc đời nhiều hơn, trải nghiệm và học nhiều kĩ năng mà trường học không dạy. Chẳng hạn như học cách nâng cao năng lực cảm xúc cá nhân để đối mặt với áp lực, học cách rèn luyện các thói quen hữu ích để nâng cao chỉ số vượt khó, nâng cao năng lực cảm xúc xã hội để tránh bị đào thải bởi máy móc. Khi giới trẻ bớt được bao bọc, phải va chạm và trải nghiệm nhiều hơn, phải đối mặt với rủi ro và sự nguy hiểm nhiều hơn, thì chắc chắn sẽ có những bạn yếu đuối phải gục ngã. Nhưng cũng có những bạn sẽ trở nên thành công. Điều này cũng giống như cách mà đại bàng dạy con tập bay. Không một con đại bàng nào lại dạy con mình cách đi lòng vòng quanh vườn như một con gà, thay vì thế nó làm tổ ở trên vách núi. Và cách mà đại bàng con được học bay là bị đại bàng bố mẹ đạp cho rơi từ trong hang ra ngoài không trung. Có 80% số đại bàng con sẽ bị rơi tự do, xác bị đập vào vách núi, rơi xuống vực. Và số ít đại bàng con còn lại, phải nỗ lực hết sức đập cánh để không phải chịu kết cục thảm hại như số đại bàng kia. Cuối cùng, phần thưởng của chúng là trở thành chúa tể trời xanh.
Nguồn: https://ybox.vn/gia-vi/vi-sao-gioi-tre-viet-ngay-cang-yeu-duoi-7ggcszbvff
You need to login in order to like this post: click here
YOU MIGHT ALSO LIKE