Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Vì sao ta giải quyết vấn đề của người khác tốt hơn của bản thân?

Vì sao ta có cả tá lời khuyên khi bạn thân thất tình, nhưng lại không thể suy nghĩ thấu đáo khi điều đó xảy ra với chính mình?

Trong mắt người khác, bạn là một “chuyên gia tư vấn” sành sỏi, thấu sự đời. Bạn có thể “gỡ rối” mâu thuẫn của một cặp đôi lâu năm, hỗ trợ đồng nghiệp xử lý trơn tru công việc hay viết bài về những vấn đề tâm lý.

Nhưng bản thân bạn cũng gặp phải vấn đề như ai. Tình duyên thì lận đận, công việc thì chông chênh, tâm lý thì bất ổn. Những lời khuyên bạn từng “giải vây” cho người khác lại không cứu giúp được chính mình. Đây chính là Solomon’s paradox – một nghịch lý khá phổ biến trong cuộc sống.

Nghịch lý Solomon là gì?

Đây là hiện tượng xảy ra khi chúng ta có thể giải quyết thấu đáo vấn đề của người khác nhưng lại chật vật hoặc bế tắc trong vấn đề của chính mình.

Nghịch lý này được đặt tên theo vua Solomon – hoàng đế thứ 3 của vương quốc Israel cổ. Ngài được tôn thờ và ngưỡng mộ bởi trí tuệ hơn người, cùng những lời khuyên thông thái cho vấn đề của thiên hạ. Nhưng chính ngài cũng vướng vào những ham muốn về tiền bạc, sắc dục và không dạy bảo được con trai độc nhất của mình. Theo cách nói dân gian Việt Nam, nghịch lý này tương đương với câu thành ngữ “dao sắc không gọt được chuôi”.

Để kiểm chứng nghịch lý, hai nhà tâm lý học Igor Grassmann và Ethan Kross đã thực hiện nghiên cứu với các cặp đôi yêu nhau. Cụ thể, một nhóm người tham gia sẽ tưởng tượng người yêu mình đang ngoại tình, nhóm còn lại thì tưởng tượng bạn thân mình mới là người bị “cắm sừng”. Kết quả cho thấy, nếu đó là vấn đề của bạn thân thì người tham gia sẽ có khả năng thấu cảm, thỏa hiệp hay thông minh hơn về những xử lý cảm xúc.

Vì sao nghịch lý Solomon xuất hiện?

Chúng ta có khoảng cách tâm lý với vấn đề của người khác

Khoảng cách tâm lý (psychological distance) là mức độ tách rời về không gian, thời gian và xã hội giữa nhận thức của một người với một vấn đề nhất định. Khoảng cách này sẽ khiến ta soi xét chi tiết những thứ ở gần và có cái nhìn toàn diện hơn với những thứ ở xa. Chẳng hạn, một người chỉ tập trung vào cái mũi thấp, bè của họ thì sẽ khó nhận ra, cái mũi ấy là một phần tạo nên khuôn mặt hài hòa.

Vì thế, khi đứng từ ngoài nhìn vào, chúng ta sẽ phát hiện được những “điểm mù” của người trong cuộc. Từ đó, ta có nhiều dữ kiện để tìm ra những giải pháp bao quát và sáng tạo hơn. Ví dụ điển hình là bạn loay hoay tìm một món đồ mãi không thấy, nhưng mẹ bạn vừa vào phòng thì tìm thấy nó ngay tức khắc.

Bảo vệ cái tôi là nhu cầu và phản xạ tự nhiên của mỗi người

Chúng ta mắc kẹt và lún sâu hơn vào vấn đề của bản thân một phần là do nhu cầu bảo vệ cái tôi. Để giữ hình tượng hoàn hảo, con người thường đề cao năng lực của mình thay vì nhìn nhận nó một cách khách quan. Đây được gọi là thiên kiến tự củng cố (self-enhancement bias).

Chẳng hạn để tránh những lời phê bình, bạn chỉ “đánh bóng” những thành công của bản thân và bỏ qua những khiếm khuyết trong công việc. Dần dần, bạn mất đi khả năng nhìn nhận tính nghiêm trọng trong các sai lầm từng mắc phải, dẫn đến cách giải quyết “trật lất” và hời hợt mỗi khi gặp vấn đề.

Chúng ta coi việc giúp người là cơ chế né tránh

Theo nhà khai vấn Susan Keter, một số người coi giải quyết vấn đề của người khác là cách giúp họ né tránh vấn đề của bản thân. Thực chất, những lời khuyên họ dành cho người khác là để dành cho chính mình. Nhưng vì nỗi sợ đối diện và khắc phục hậu quả, họ không dám thực hiện những giải pháp hữu hiệu đó. Đây chính là cơ chế né tránh (avoidance mechanism)

Ví dụ bạn khuyên người bạn đồng tính của mình nên come out với gia đình, nhưng chính bản thân bạn cũng không làm được điều này. Có thể là vì bạn sợ phản ứng thiếu cảm thông của gia đình hoặc lời đàm tiếu của người ngoài.

Làm thế nào để hạn chế nghịch lý Solomon?

Tách rời khỏi vấn đề và phân tích

Để tạo khoảng cách tâm lý, bạn cần chuyển góc nhìn sang ngôi thứ ba. Bạn có thể bắt đầu bằng câu hỏi: “Nếu người khác gặp tình huống này, bạn sẽ khuyên họ thế nào?”.

Bạn cũng có thể viết vấn đề ra giấy để dễ hình dung hơn. Sau đó, bạn nên sắp xếp lại nguyên nhân, thứ tự vấn đề cần giải quyết hoặc làm sơ đồ tư duy (mind map). Cách này sẽ giúp bạn nhìn thấu vấn đề của mình thay vì phải nghĩ về nó trong đầu, từ đó dễ dàng phân tích và tìm ra giải pháp tương ứng.

Nhìn bản thân từ tương lai

“Bạn năm 40 tuổi sẽ nói gì với bạn vào lúc này?” – những câu hỏi dạng này sẽ giúp bạn chuyển bối cảnh và thời gian để nhìn nhận vấn đề. Nhờ đó, bạn giảm tập trung vào các đặc điểm cụ thể và tức thời của tình huống hiện tại để nhìn nó trong một bức tranh toàn cảnh hơn.

Chẳng hạn, mục tiêu của bạn là đi du lịch Hàn Quốc vào cuối năm và cần phải tiết kiệm 2 triệu mỗi tháng. Như vậy trước khi “chốt đơn” mua hàng online, hãy tưởng tượng đến thời điểm bạn đang vi vu ở Hàn, rồi quay lại xem xét liệu việc chi tiêu của mình ngay lúc này có cần thiết. Cách làm này giúp bạn tránh được những khoản thất thu vì niềm vui ngắn hạn.

Trao đổi với người từng trải

Nhiều góc nhìn sẽ đem lại nhiều thông tin, giải pháp cho một vấn đề. Vì thế, việc hỏi kinh nghiệm của bố mẹ, bạn bè hoặc cố vấn (mentor) trong việc giải quyết tình huống tương tự sẽ mở cho bạn nhiều hướng đi hơn.

Kể cả khi họ chưa từng trải qua, việc trao đổi vấn đề với họ cũng mang lại những lợi ích nhất định. Vì chính họ cũng chịu tác động của nghịch lý Solomon, nên khi đứng ở góc nhìn người thứ ba, họ sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn.

Tổng kết lại sau mỗi vấn đề

Dù thất bại hay thành công, mỗi lần trải qua là một lần học. Vì vậy, khi giải quyết xong một vấn đề, bạn nên ghi lại kinh nghiệm để làm “tư liệu tham khảo” cho những lần sau.

Chẳng hạn sau một cuộc cãi vã với người yêu, bạn nhận ra, cả hai đều quá nóng nảy và chỉ muốn “xả tức” thay vì thực sự giao tiếp để giảng hòa. Việc ghi lại nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sẽ giúp cả hai bạn rút kinh nghiệm cho những mâu thuẫn sau này. Thay vì lao ngay vào cuộc chiến, hai bạn có thể cho nhau thời gian để trấn tĩnh và suy nghĩ thấu đáo trước.