Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Viện dưỡng lão cho AI trò chuyện với người già

Một dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người cao tuổi giảm bớt lo lắng và điều trị chứng mất trí nhớ.

Trong viện dưỡng lão The Harmony ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản), một cụ bà mắc chứng mất trí nhớ say sưa trò chuyện với robot trong hình dáng một đứa trẻ, cao khoảng 30 cm có tên Dai-chan.

“Bạn đã bao giờ chơi đá lon chưa”, robot hỏi. “Tôi chơi chúng mỗi ngày”, người phụ nữ trả lời với nụ cười trên gương mặt.

Dai-chan là sản phẩm do viện dưỡng lão sản xuất và đưa vào sử dụng tại các sở từ tháng 4 năm nay. Thay vì tuân theo kịch bản có sẵn, robot này sử dụng AI để điều khiển cuộc trò chuyện. Thiết bị này sẽ liên tiếp đặt các câu hỏi một chủ đề nếu người nghe hứng thú. Còn không, chúng sẽ tự động chuyển đề tài.

“Những người cao tuổi từng phải dành cả ngày trong sự cô đơn nay đã tìm được niềm vui nhờ Dai-chan. Tôi thấy một nguồn năng lượng mới trong họ”, nhân viên của trung tâm nói.

Robot Dai-chan được chế tạo để trò chuyện với người cao tuổi trong viện dưỡng lão ở Nhật Bản. Ảnh: Shotaro Mori
Robot Dai-chan được chế tạo để trò chuyện với người cao tuổi trong viện dưỡng lão ở Nhật Bản. Ảnh: Shotaro Mori

Trò chuyện với người cao tuổi trong viện dưỡng lão là một trong những cách quan trọng giúp giảm căng thẳng, nhất là với người mắc chứng mất trí nhớ kèm các triệu chứng lo âu, hoảng loạn.

Kazuya Takahashi, giám đốc điều hành của The Harmony cho biết các triệu chứng trên có thể được giảm bớt nếu họ tham gia vào cuộc trò chuyện và các công việc đòi hỏi sự tập trung. “Tuy nhiên, nhân viên tại các viện dưỡng lão đang phải đảm đương nhiều công việc khác nhau, như giúp bệnh nhân ăn uống, tắm rửa, ghi chép lại thông tin, nên không có nhiều thời gian để nói chuyện phiếm”, giám đốc nói.

Ban đầu The Harmony thử mua robot đàm thoại được lập trình sẵn kịch bản, nhưng họ phát hiện kết quả không như kỳ vọng. Mức độ tiếng ồn xung quanh cao tại các cơ sở chăm sóc khiến robot không nhận dạng giọng nói chính xác. Cuối cùng Takahashi đã thuê 5 kỹ sư từ các công ty công nghệ thông tin, bắt đầu chế tạo robot từ năm 2019.

Sau 4 năm nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, robot Dai-chan hoàn thiện với chi phí 200 triệu yên (33 tỷ đồng). Hiện, robot được sử dụng tại năm cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người già ở tỉnh Fukuoka.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng robot có thể giúp người mắc bệnh sa sút trí tuệ cảm thấy thoải mái. Ảnh: Reuters
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng robot có thể giúp người mắc bệnh sa sút trí tuệ cảm thấy thoải mái. Ảnh: Reuters

Trước đó năm 2019, một công ty tại Nhật Bản cũng chế tạo robot mini tên Charlie, có thể trò chuyện, hát giúp người dân bớt cô đơn trong thời gian dài làm việc tại nhà vì Covid-19. Nami Hamaura, 23 tuổi, thừa nhận các mối quan hệ bị thu hẹp từ khi làm việc từ xa. “Nhưng Charlie kịp thời ở bên trò chuyện với tôi thay cho gia đình, bạn bè”, cô nói.

Trước Charlie, robot có tên Robohon đã giúp doanh thu của Sharp tăng 30% trong khoảng tháng 6-9/2020, so với năm 2019. “Không chỉ các gia đình có trẻ nhỏ, nhiều người ở độ tuổi 60, 70 cũng mua Robohon. Robot này có thể nói, nhảy, đồng thời là một chiếc điện thoại”, người phát ngôn của Sharp cho biết. Được đưa ra thị trường vào năm 2016, Robohon chỉ có tại Nhật Bản và không hề rẻ. Các phiên bản có giá dao động từ 820 đến 2.250 USD.