Get in touch
or send us a question?
CONTACT

Tổng hợp kinh nghiệm học và ôn thi JLPT mọi trình độ

thumbnail

TuoiNN – Tháng Sáu 8, 2018

Xem chi tiết bài viết và đề luyện thi tại: http://morningjapan.com/

Link gốc: hoc-tieng-nhat/tong-hop-kinh-nghiem-hoc-va-on-thi-jlpt-moi-trinh-do-kem-de-luyen-thi/

Hướng dẫn đăng ký thi JLPT tại Nhật trên internet - 360° Nhật Bản

Để giúp bạn tận dụng tháng cuối cùng ôn thi JLPT thật hiệu quả cũng như tránh bị stress quá mức, Morning Japan sẽ tổng hợp giúp bạn các kinh nghiệm ôn thi JLPT “thực chiến” từ các tiền bối (đương nhiên là áp dụng thành công rồi). Thêm vào đó, chúng mình cũng gửi bạn Bản mẫu lập kế hoạch ôn thi + những bộ đề thi JLPT để bạn chuẩn bị cho kì thi thật cam go sắp tới nhé.

Kinh nghiệm học và ôn thi JLPT

Kì thi JLPT được tổ chức vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm. Như vậy bạn có chừng 6 tháng để chuẩn bị cho mỗi đợt thi. 6 tháng ngắn ngủi đối với những người vẫn còn hoang mang chưa rõ năng lực mình tới đâu, kiến thức mình có đã đủ để đạt được mốc N tiếp theo hay chưa. Nhưng 6 tháng cũng là khoảng thời gian ôn luyện thong dong cho những ai biết được mình còn thiếu điều gì, mình cần phải rèn luyện như thế nào.

Nói như vậy, hẳn các bạn cũng đoán được bước đầu tiên khi bắt tay vào việc học tập và ôn thi JLPT rồi đúng không? Đó là:

#1- Xác định năng lực hiện tại của bản thân

Để làm bất cứ việc gì với hiệu quả cao nhất, bạn luôn luôn cần có sự nhìn nhận, phân tích trước khi đưa ra hành động. Điều này cũng áp dụng với việc học và luyện thi.

Đầu tiên, hãy xác định bạn đang yếu kĩ năng gì? Bạn còn bao nhiêu thời gian nữa để học hoặc ôn thi? Sau đó xác định xem, vì sao các kĩ năng đó của bạn còn chưa đạt? Xác định chính xác nguyên nhân cản lối con đường học tiếng Nhật của bạn thì mới có thể lên kế hoạch sửa chữa, bù đắp kiến thức cho đúng được.

Cách xác định năng lực tiếng Nhật của bạn

Đơn giản nhất là lôi đề thi ra làm thử trong thời gian như đi thi thật. Nếu bạn đang muốn thi N3 thì hãy đem đề N3 ra làm. Làm thử chừng 2 đề và chấm điểm từng phần – từ vựng, kanji, ngữ pháp, đọc hiểu. Sau đó bạn sẽ biết ngay là bạn đang kém phần nào.

Kế đến, sau khi đã biết mình yếu mảng gì, bạn hãy nhìn lại xem vì sao mình chưa làm tốt mảng đó? Morning Japan nhận thấy có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “tiếng Nhật chưa tốt” như sau:

#2 – Xác định nguyên nhân kĩ năng tiếng Nhật của bạn chưa tốt là gì?

Nguyên nhân đọc hiểu tiếng Nhật kém

Một là do bạn chưa nắm vững ngữ pháp. Kế đến là số lượng từ kanji bạn biết còn quá ít. Bài văn đọc hiểu tiếng Nhật thường “khó hiểu” là do cách kết hợp cấu trúc ngữ pháp cùng số lượng từ vựng mới xuất hiện nhiều (mà từ vựng đa phần do kanji kết hợp nên).

Cách hành văn của người Nhật thực ra không quá khó để nắm bắt được. Bạn chỉ cần dành mỗi ngày 1 tiếng ra đọc các bài đoản văn tiếng Nhật trong 1 tuần liên tục là quen ngay với cách hành văn của họ. Còn để hiểu được nội dung viết gì, bạn cần có vốn từ vựng tốt và chắc ngữ pháp.

Bạn cần cải thiện khả năng đọc hiểu? Hãy xem thêm Nguồn luyện đọc tiếng Nhật cho mọi trình độ của Morning Japan nhé!

Nguyên nhân nghe hiểu tiếng Nhật kém

Nguyên nhân chính vẫn nằm ở vốn từ và cấu trúc câu bạn đã tích lũy. Tuy nhiên, khác với đọc hiểu là bạn cần nhớ mặt chữ để nhìn ra nghĩa của từ, thì với nghe hiểu, bạn cần phải để não bộ mình ghi nhớ cách người Nhật phát âm từ đó như thế nào. Đây là lí do vì sao khi học từ vựng tiếng Nhật hoặc học cấu trúc ngữ pháp, bạn NÊN kết hợp nghe băng để lắng nghe và ghi nhớ cách đọc, trọng âm của từ. Hơn nữa, nghe băng còn giúp bạn nhận thấy các âm, từ thường bị người Nhật nói nhanh và “nuốt” mất.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến nghe hiểu chưa tốt là do bạn chưa rèn được khả năng tập trung khi nghe, hay bạn có thói quen nghe “bắt từ khóa” chứ không luyện nghe liền mạch, hoặc là vừa nghe vừa liên tưởng đến nghĩa tiếng Việt trong đầu dẫn đến mất thời gian, xao nhãng và bỏ lỡ mất nội dung hội thoại. Những vấn đề này đều có thể dần cải thiện qua thời gian luyện nghe băng, xem phim Nhật cũng như tăng cường thời gian nghe có chủ đích.

Đọc thêm về phương pháp luyện nghe tiếng Nhật hiệu quả.

Nguyên nhân ngữ pháp tiếng Nhật kém

Thực ra, khi học tiếng Nhật – nhất là khi luyện đọc, rất nhiều senpai khuyên rằng bạn không cần quá chú trọng vào cấu trúc ngữ pháp làm gì. Bởi cũng như người Việt viết tiếng Việt, người Nhật viết văn nhiều khi cũng không tuân theo quy tắc ngữ pháp thông thường. Tuy lời khuyên này không hẳn là sai, nhưng bạn đừng vì thế mà hấp tấp bỏ qua phần ngữ pháp.

Tất nhiên là bạn không cần thiết phải ngồi học thuộc lòng cấu trúc ngữ pháp tiếng Nhật. Mà dù có học thuộc lòng, bạn chắc chắn cũng chẳng thế nào nhớ được hết. Đảm bảo bạn sẽ bị loạn nếu cố. Cách để ghi nhớ ngữ pháp tiếng Nhật nhanh nhất là tự mình đặt câu cùng cấu trúc ngữ pháp đó (lười thì học thuộc ví dụ của mẫu ngữ pháp đó trong sách) song song với luyện đọc. Hàng ngày hãy mở ví dụ chứa mẫu câu ra đọc lại.

Lưu ý là với các mẫu ngữ pháp nhìn na ná nhau mà nghĩa khác nhau, hoặc tuy khác nhau nhưng đồng nghĩa, hoặc các mẫu ngữ pháp đối lập nhau, thì ngoài việc đặt mẫu câu ví dụ, bạn nên có một bảng so sánh, tổng hợp lại cho dễ nhìn. Làm vậy cũng giúp bạn nhớ lâu hơn.

Ngoài ra, khi học ngữ pháp tiếng Nhật, bạn đừng cố nhớ mẫu câu đi kèm với loại từ gì làm gì. Ví dụ, không cần học kiểu うちに thì đi với danh từ + の hay Vいる・Vている・Vない… cho mệt đầu. Làm bài đọc hiểu hoặc chăm chỉ đọc báo, gặp chúng nhiều bạn tự khắc sẽ quen.

Nguyên nhân từ vựng tiếng Nhật kém

Là do bạn lười. Chứ gì nữa? Từ vựng là phần dễ nhất trong tiếng Nhật rồi. Chăm chỉ một tý là có một rổ từ vựng làm vốn dắt lưng, phục vụ bạn từ nghe nói tới đọc viết.

Nếu không phải do bạn lười, thì chỉ còn nguyên nhân là cách học của bạn chưa đem lại hiệu quả cao. Để học từ vựng tốt + nhớ lâu, thì đầu tiên bạn cần nhớ và thuộc kanji.

Để học tốt kanji thì 50% là từ nỗ lực chăm chỉ mở kanji ra học. 50% còn lại ở cách bạn học kanji. Ở đây Morning Japan không phê bình cách học kanji nào cả. Có bạn thì cứ phải tập viết từng từ kanji nhiều lần thì mới nhớ được. Có bạn thì học kanji qua Quizlet, Anki (theo chúng tớ cách học này rất nhanh, hữu hiệu cho những bạn muốn ôn lại kiến thức cũ).

Có bạn thì học theo kiểu bóc tách từng bộ thủ cấu tạo nên một từ kanji, và xếp các chữ kanji cùng bộ thủ để học (cách này giúp bạn nhớ kanji lâu hơn, phân biệt các kanji nhìn giống nhau rất nhanh, tuy nhiên phù hợp nhất khi bạn học kanji mới chứ không phải là ôn tập lại).

Đọc thêm:

7 phương pháp thần thánh để học kanji hiệu quả hơn

Trọn bộ danh sách ngữ pháp, chữ Hán chinh phục thử thách JLPT N2

Giải quyết nhanh gọn từ vựng tiếng Nhật bằng cặp từ trái nghĩa

#3 – Phân chia các giai đoạn học tiếng Nhật ngay từ khi bắt đầu

Về cơ bản, học tiếng Nhật – đặc biệt là với mục đích thi đỗ kì thi JLPT bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn học kiến thức mới, giai đoạn ôn tập, cuối cùng là giai đoạn luyện đề.

Tùy vào khả năng của mình mà bạn điều chỉnh thời gian cho từng giai đoạn. Có bạn học rất nhanh kiến thức mới (1 tháng là học hết toàn bộ từ vựng, ngữ pháp của một level JLPT chẳng hạn), bạn ấy sẽ có nhiều thời gian để ôn tập và luyện đề thi, củng cố kĩ năng còn kém. Cũng có những bạn sẽ dành phần lớn thời gian học kiến thức mới, ghi nhớ thật chắc từ vựng và ngữ pháp. Sau đó mới chuyển qua luyện đọc hiểu cùng nghe hiểu.

Bạn có thể phân chia thời gian tùy ý cho hai giai đoạn đầu là học kiến thức và ôn tập. Tuy nhiên về phần luyện đề, bạn nên tập trung vào phần này trong thời điểm 1 tháng trước khi thi. Lúc này kì thi đã gần kề, việc học kiến thức mới để ghi nhớ là hơi quá tải và không hiệu quả nữa. Hãy dành thời gian thi thử tại các trung tâm hoặc tự bấm giờ và làm đề thi tại nhà.

#4 – Lập kế hoạch học tiếng Nhật – Kế hoạch ôn thi JLPT (kèm bản Kế hoạch học tiếng Nhật mẫu)

Bạn có thể ghi ra sổ tay hay tạo kế hoạch học tiếng Nhật, ôn tiếng Nhật trên bất kì công cụ nào bạn muốn. Tuy nhiên, HÃY LUÔN LẬP KẾ HOẠCH học tập trước khi bạn bắt đầu.

Vì sao bạn cần lập kế hoạch học tiếng Nhật và ôn tiếng Nhật?

Vì sao không cứ thế giở sách ra học, hết quyển này thì học tới quyển khác?

Lập kế hoạch giúp bạn rất nhiều điều – nhất là nó giúp bạn QUẢN LÝ lượng kiến thức đầu vào khi học tiếng Nhật. Lập kế hoạch rõ ràng sau khi đã xác định khuyết điểm trong trình độ tiếng Nhật của mình và tìm ra nguyên nhân, sẽ giúp bạn THEO DÕI được sự tiến bộ của bản thân, ĐẢM BẢO được lộ trình học tiếng Nhật đúng hướng phù hợp với chính mình. Hơn nữa, với khối lượng kiến thức đã học có thể NHÌN THẤY một cách rõ ràng trên bản kế hoạch, bạn sẽ cảm thấy được tiếp sức, có động lực học tập hơn.

Cách lập kế hoạch học tiếng Nhật

Khi lập kế hoạch học tiếng Nhật hay ôn thi JLPT, bạn hãy nhớ luôn luôn ghi rõ mục tiêu mình mong muốn đạt được. Mục tiêu cần rõ ràng, có thể đo đếm được và có thời hạn cụ thể chứ không nên ghi chung chung kiểu “tôi muốn trở nên giỏi tiếng Nhật hơn” – như thế nào là giỏi hơn? Sau đó xem xét lượng kiến thức cần có để đạt được mục đích, cùng với số thời gian 1 ngày bạn có thể dành ra để học. Từ đó, chúng ta mới bắt đầu tìm kiếm các công cụ giúp mình đạt được mục tiêu học tập trong quỹ thời gian cho phép của bản thân.

Ví dụ

Hiện bạn ở trình độ N4. Bạn có mục tiêu: Học và ôn thi tiếng Nhật trong 6 tháng, lấy được bằng N3 trong kì thi JLPT tháng 12. Các đầu sách N3 cần thiết bạn định học là:

  • Ngữ pháp Mimikara N3
  • Ngữ pháp Shinkanzen N3
  • Từng vựng Shinkanzen N3
  • Từ vựng Supido N3
  • Nghe hiểu Mimikara N3
  • Đọc hiểu Shinkanzen N3
  • Đọc hiểu soumatome N3
  • Các sách luyện đề

Tới đây, hãy giở mỗi muốn sách ra xem chúng có bao nhiêu bài (unit/第). Giả sử bạn không có thời gian đi học trung tâm mà tự học, mỗi ngày học được khoảng 3 tiếng. Bạn muốn ưu tiên học từ vựng và ngữ pháp trước. Mỗi ngày 0.5 bài từ vựng + 1 bài ngữ pháp. Cứ học 3 bài thì quay lại ôn lại 1 lần 3 bài chẳng hạn. Như vậy nếu cuốn sách có 12 bài thì bạn cần bao nhiêu ngày để hoàn thành (cộng cả thời gian ôn tập)? Với mỗi đầu sách bạn định học hãy chia nhỏ từng phần ra như vậy để học mỗi ngày cùng với thời hạn sẽ hoàn thành mỗi cuốn sách.

Trong khi thực hiện kế hoạch, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ nếu tính toán của bạn cho thấy bạn học mỗi ngày nửa bài từ vựng và 1 bài ngữ pháp trong 3 tiếng là chưa đủ để bạn học hết, hay bạn học hết nhưng chưa kịp ghi nhớ được tốt, bạn có thể điều chỉnh lại. Các bước tương tự áp dụng với việc ôn thi JLPT.

Kinh nghiệm ôn từ vựng và ngữ pháp

Ôn từ vựng và ngữ pháp sẽ hiệu quả và nhanh nhất với sự trợ giúp của phần mềm thần thánh Quizlet (bên Tây thì chuộng Anki). Ngay từ khi bắt tay học từ vựng hoặc ngữ pháp, bạn nên dành thời gian đưa các từ/cụm ngữ pháp lên Quizlet để học.

Còn nếu bạn không có thời gian tự up các phần từ vựng lên, bạn có thể tìm học của các bạn khác đã up sẵn lên. Tuy nhiên, đôi khi phần dịch tiếng Việt của người khác sẽ hơi khác so với những gì bạn tự học. Bạn có thể download quizlet của người khác về và chỉnh sửa lại ý nghĩa nếu muốn.

*Hãy chọn Export để download các file quizlet của người khác về thành file của bạn nhé. Nên down về vì có thể lúc đó bạn truy cập được quizlet của người khác, nhưng sau họ không muốn share nữa và đóng quyền truy cập public thì bạn lại phải tìm và học theo file khác.

Nguồn từ vựng & ngữ pháp Quizlet tham khảo:

Phạm vi ôn tập

– Đối với JLPT N5 & N4: – 25 bài min trong sách Minna no Nihongo (đối với thi N5) và toàn bộ 50 bài Minna no Nihongo (với N4)

– Đối với JLPT N3/N2/N1: tiêu chí chung là bạn biết càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để có nền tảng cho việc ôn tập thì bạn nên chú trọng vào từ vựng của sách Mimikara + Shinkanzen. Nếu có thời gian nên ôn cả từ vựng của Speed Master. Bởi, từ vựng ở sách này được gộp theo chủ đề + loại từ khá dễ nhớ.

Về ngữ pháp thì đầu sách được đánh giá cao nhất (cho cả ba trình độ N3, N2, N1) là sách Shinkanzen Bunpou. Sách phân biệt các mẫu ngữ pháp, cách sử dụng và hệ thống các mẫu đó rất khoa học. Chỉ cần nắm chắc ngữ pháp trong sách Shinkanzen là bạn có thể tự tin rồi. Đương nhiên, nếu còn nhiều thời gian thì bạn nên đọc qua cả sách khác. Ví dụ các mẫu ngữ pháp nhắc đến thêm trong sách Mimikara. Vẫn có những mẫu Shinkanzen chưa đề cập tới.

Kinh nghiệm ôn tập Kanji

Tương tự như ôn từ vựng, bạn cũng nên ôn tập kanji trên Quizlet. Mục đích là để tiết kiệm thời gian cũng như nhớ lâu hơn. Ưu điểm của quizlet là cho phép bạn đánh dấu những từ hay quên để học lại riêng những từ đó. Ngoài ra, quizlet cũng có chế độ kiểm tra khả năng ghi nhớ của bạn cho mỗi set từ/kanji bạn học. Vì thế hiệu quả và nhanh chóng hơn nhiều lần so với bạn tự học hay tự viết ra giấy.

Nguồn học kanji trên quizlet

Kinh nghiệm luyện đề thi JLPT

Chờ đã, bạn có thể sẽ thắc mắc là tại sao lại không “kinh nghiệm ôn nghe hiểu – đọc hiểu”. Bản thân kĩ năng nghe hiểu và đọc hiểu là những kĩ năng bạn cần rèn mỗi ngày. Dù ít hay nhiều đều phải duy trì hàng ngày.

Vì thế, sẽ không có phần nào gọi là ôn tập cho hai kĩ năng này. Nếu có, thì cũng sẽ chỉ là ôn lại những cụm từ mới bạn nhặt nhạnh được trong khi nghe băng hoặc đọc sách/báo thôi. Dù sao, để làm tốt phần nghe hiểu-đọc hiểu trong kì thi JLPT thì học bao nhiêu cũng không đủ. Bạn nên xác định rèn nhiều để khiến mình thành thạo hai kĩ năng này.

Khi kì thi đã gần kề, bạn nên luyện càng nhiều đề càng tốt. Song song là ôn lại từ vựng, ngữ pháp và kanji. Nếu ít thời gian cho việc này thì bạn có thể chọn làm đề trong Gokaku Dekiru hoặc đề Zettai Gokaku Dekiru.

Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn hãy làm cả các đề thi của những năm trước nữa hoặc đề trong các tựa sách sau:

  • Patan Betsutetei Doriru
  • Moshi to Taisaku
  • Nihongo Nouryoku Shiken Chokuzen Taisaku
  • Supa Moshiki

Trong đó, Patan và Chokuzen được rất nhiều senpai yêu thích. Sách này có phần tổng kết ngữ pháp và từ vựng cuối sách, rất tiện để ôn và check lại. Ngoài ra, khi thi thử tại nhà, bạn đừng quên bấm giờ nhé. Chỉ hoàn thành bài thi trong số giờ quy định của bài thi thử. Hãy tập phân chia thời gian cho phù hợp để hoàn thành hết các bài đọc (vừa dài vừa khó) cuối đề. Ví dụ, phần từ vựng và ngữ pháp bạn chỉ làm trong 20-30p. Còn lại toàn bộ là bài đọc. Mỗi bài đọc làm không quá 7 phút… Bạn cũng có thể ép mình phải hoàn thành xong sớm hơn thời gian được cho phép. Như vậy nếu đi thi thật gặp đề khó hơn thì bạn vẫn còn thời gian để suy nghĩ.

Khi luyện thi phần nghe hiểu, hãy luyện bằng cách mở loa ngoài của máy tính. Đừng nghe qua tai nghe. Bởi, khi đi thi bạn cũng sẽ phải nghe với điều kiện tương tự. Thậm chí là tệ hơn. Ví dụ như loa bị rè, tiếng ồn của công trường chỗ bạn thi… Nghe quen qua headphone thì khi đi thi thật, bạn sẽ bị sốc vì nghe câu được câu chăng đấy.

Mong bài viết sẽ giúp ích cho mọi người trong việc học Tiếng Nhật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *